
Từ ngày 1/7/2025, Việt Nam chính thức vận hành theo mô hình hành chính mới với 34 tỉnh, thành – một dấu mốc lịch sử trong công cuộc tái thiết bộ máy hành chính quốc gia. Địa giới thay đổi, tên gọi hành chính được viết lại, nhưng có một thứ vẫn bền vững: bản sắc và khát vọng vươn lên của phụ nữ Việt. Trong nhịp chuyển mình sôi động ấy, những người phụ nữ không chỉ thích nghi mà chủ động định vị lại vai trò của mình, bằng tri thức, bản lĩnh và một tinh thần thời đại không ngừng chuyển động.
Ngày 1/7/2025 đánh dấu một bước ngoặt lịch sử. Việt Nam chính thức vận hành theo mô hình 34 tỉnh thành thay vì 63 đơn vị hành chính như trước. Quyết định sáp nhập mang ý nghĩa chiến lược trong công cuộc cải tổ bộ máy nhà nước, được Tổng Bí thư Tô Lâm gọi là “bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược” nhằm hoàn thiện bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả quản trị, hướng tới một tương lai phát triển bền vững.
Không chỉ là câu chuyện của bản đồ hành chính, việc “cập nhật lại địa chỉ” cũng như một lời nhắc nhở rằng: chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mới, với một tâm thế mới. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: “Dù 63 hay 34 tỉnh thành, tất cả đều là quê hương, đất nước.” Và trong tinh thần đó, mỗi cá nhân đều được trao cơ hội để nhìn lại mình, từng bước định vị lại bản thân.
Với phụ nữ, đó không chỉ là sự thay đổi về nơi chốn mà còn là lời mời gọi bước ra khỏi giới hạn quen thuộc, để vươn mình, định vị lại bản sắc và vai trò của chính mình trong một kỷ nguyên mới của đất nước.
Trong kỷ nguyên vươn mình, nơi địa giới hành chính được tái cấu trúc, tư duy quốc gia được làm mới, vai trò của phụ nữ cũng cần được nhìn nhận ở chiều sâu rộng hơn: không chỉ làm kinh tế, xây dựng gia đình mà còn là lực lượng tham gia kiến tạo xã hội, giữ gìn an ninh – quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Để làm được điều đó, Việt Nam đang cấp bách nghiên cứu một cách hệ thống và căn cơ các phương diện liên quan đến phụ nữ tham chính – từ chính trị, pháp luật, kinh tế đến văn hóa, giáo dục, nhằm xóa bỏ tư tưởng xem phụ nữ là thứ yếu. Song song, việc đổi mới hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền bầu cử, ứng cử và lãnh đạo cho phụ nữ đang dần trở thành nền tảng cho một xã hội công bằng hơn, phụ nữ đều có quyền và cơ hội tham chính bình đẳng trên thực tế.
Tuy nhiên, bảo vệ Tổ quốc không chỉ nằm trên bàn nghị sự hay trong những phòng họp chính sách. Trên khắp các miền đất nước, phụ nữ Việt Nam đã và đang giữ những vai trò thầm lặng nhưng then chốt trong việc xây dựng “thế trận lòng dân”.
Tại các vùng biên giới, phụ nữ không chỉ chăm lo hậu phương mà còn đồng hành với bộ đội biên phòng trong các mô hình như “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên mốc giới”, “Phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển” – những sáng kiến gắn kết quân dân, tạo nên nền an ninh cộng đồng dựa trên sự chủ động và cảm xúc bản địa. Ở các khu dân cư, hình ảnh người phụ nữ làm tổ trưởng tổ tự quản, tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự… đã trở nên quen thuộc – như một biểu tượng sống động của sự bảo vệ không cần vũ khí, mà bằng sự lặng thầm, dấn thân và đoàn kết.
Ở tầm quốc tế, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia châu Á có tỷ lệ nữ quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình cao nhất với 13% nữ quân nhân trên tổng số lực lượng. Họ là những nữ sĩ quan đang ngày càng hiện diện tại các phái bộ của Liên hợp quốc, khẳng định vị thế của người phụ nữ Việt Nam không chỉ trong nước mà trên cả bản đồ an ninh toàn cầu.
Bằng ý chí, sự tận tụy và tinh thần trách nhiệm, phụ nữ Việt Nam đang từng ngày khẳng định vai trò trong công cuộc gìn giữ hòa bình và kiến tạo quốc gia. Bên cạnh những nhiệm vụ lớn lao ấy, họ còn lặng lẽ đảm đương một sứ mệnh không kém phần quan trọng bằng những đôi tay khéo léo và một trái tim mềm mại - Giữ hồn dân tộc…
Khi những địa danh mới được viết trên bản đồ, khi ranh giới hành chính được tái cấu trúc, thì có một điều chắc chắn không thay đổi: đó là dòng mạch văn hóa lặng lẽ chảy trong lòng mỗi gia đình, mỗi miền đất, được gìn giữ bởi đôi tay, giọng nói và trái tim của những người phụ nữ Việt.
Không cần một danh xưng lớn lao, phụ nữ Việt gìn giữ bản sắc theo cách riêng của mình: bằng câu hát ru con trên võng, bằng việc chọn lại món canh cũ mẹ từng nấu, bằng việc lau sạch từng tấm hoành phi, sắc phong trên bàn thờ tổ tiên.
MC, BTV Hà Khánh Linh – người sáng lập thương hiệu “Áo Dài Hà Thị” – cũng đang góp phần viết tiếp hành trình gìn giữ bản sắc ấy theo cách của riêng mình. Cô chọn gìn giữ một phần căn tính Việt qua từng tà áo dài của thương hiệu Hà Thị không chỉ bằng tình yêu dành cho áo dài, mà còn bằng sự thấu hiểu vai trò của người phụ nữ trong việc gìn giữ văn hóa.
Tình yêu ấy, ban đầu rất ngây ngô và thuần khiết, đã lớn dần qua từng năm tháng làm nghề. Sau 8 năm làm MC của VTV cũng như các sự kiện thuộc lĩnh vực làm đẹp, Khánh Linh đã có cơ hội đồng hành cùng nhiều chương trình cấp quốc gia, các sự kiện ngoại giao, văn hóa có sự hiện diện của những vị khách quốc tế. Ở mỗi dịp quan trọng như thế, cô luôn chọn xuất hiện trong tà áo dài như một lời giới thiệu về những giá trị truyền thống của Việt Nam.
“Linh thấy mình được nhận lời tán thưởng là nhờ tà áo dài của người phụ nữ Việt.”
Cũng chính trong những khoảnh khắc ấy, Khánh Linh nhận ra mong muốn lan toả cái đẹp đến với cộng đồng, đặc biệt là truyền cảm hứng cho phụ nữ yêu và tự tin khi khoác lên mình trang phục truyền thống. Đó là khi cô quyết định sáng lập thương hiệu “Áo Dài Hà Thị”, không chỉ bán áo dài đẹp mà còn là nơi nuôi dưỡng văn hoá mặc áo dài trong Kỷ nguyên mới.
“Khi còn người yêu áo dài thì tình yêu với tà áo dài vẫn tiếp tục sinh sôi, vì thế Hà Thị vẫn đang làm đúng sứ mệnh đặt tình yêu vào từng chiếc áo dài gửi trao đến khách và khách hàng chính là người quyết định chiếc áo dài ấy toát lên hơi thở của thời đại như thế nào. Vì vậy nhìn ngắm những nàng thơ của Áo Dài Hà Thị, bạn sẽ thấy truyền thống đang sống theo cách riêng.” - Khánh Linh chia sẻ.
Với Khánh Linh, làm áo dài không chỉ là một công việc, mà còn là một hành trình tu dưỡng thân – tâm – trí. Mỗi chiếc áo được tạo ra không đơn thuần là một sản phẩm thời trang, mà là kết tinh của sự trân trọng với truyền thống, của cái đẹp mang theo chiều sâu văn hóa và lòng biết ơn cuộc sống.
Trong dòng chảy của đất nước, từ biên giới đến phố thị, từ nghị trường đến gian bếp nhỏ, dấu ấn của người phụ nữ chưa bao giờ là thứ ở phía sau. Họ không đi tìm ánh hào quang, nhưng chính tình yêu với gia đình, với văn hóa, với màu cờ sắc áo lại khiến vai trò của họ trở nên vững vàng và không thể thay thế.
Và có lẽ, nếu cần một biểu tượng cho tinh thần Việt Nam trong kỷ nguyên mới, thì đó sẽ không chỉ là những công trình lớn, những bước tiến vượt bậc, mà còn là hình ảnh của người phụ nữ mềm mại nhưng bền bỉ, âm thầm mà rực rỡ, đang nâng niu quá khứ để thổi hồn vào tương lai.
Bình luận