Diễn viên Hồng Phúc: “Cảm xúc của khán giả khi xem một vở kịch rất trọn vẹn”

Run run khi đứng trên sân khấu, dâng trào khi hoàn thành vai diễn, vỡ òa khi nhận được tràng pháo tay của khán giả xem kịch. Còn điều gì tuyệt hơn dành cho từng nấc thang cảm xúc trong câu chuyện của chàng diễn viên nghệ thuật sân khấu kịch. 

Diễn viên Hồng Phúc: “Cảm xúc của khán giả khi xem một vở kịch rất trọn vẹn”

Diễn viên Hồng Phúc tên thật là Nguyễn Hồng Phúc, sinh năm 1995 ở Hà Nội. Anh tốt nghiệp lớp diễn viên Kịch - Điện ảnh tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, sau đó đầu quân cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Trong số các diễn viên thế hệ 9x của Nhà hát Kịch, Hồng Phúc được đánh giá là diễn viên trẻ tài năng. Trong cuộc trò chuyện cùng diễn viên Hồng Phúc, tôi đã được nghe anh kể về sự nghiệp và tình yêu của anh dành cho kịch nói.

PB: Cơ duyên nào đưa Phúc đến với nghệ thuật kịch nói?

Hồng Phúc: Gia đình của tôi có truyền thống làm nghệ thuật, từ bà nội đến bố tôi. Khác với bà và bố hoạt động bên mảng múa rối, còn tôi thì theo đuổi kịch nói. 

dien-vien-hong-phuc-cam-xuc-cua-khan-gia-khi-xem-mot-vo-kich-rat-tron-ven-16
Diễn viên Hồng Phúc đang tập luyện chuẩn bị cho vở kịch "Rồng thần trở lại"

Ban đầu đứng giữ những sự lựa chọn về hướng đi trong tương lai, tôi chỉ mong muốn được thể hiện, hóa thân vào các vai diễn và gần gũi hơn với khán giả. Nghệ thuật múa rối của gia đình chưa thực sự phù hợp với mong muốn thể hiện bản thân. Đó là lý do tôi theo đuổi nghệ thuật kịch nói. 

PB: Tham gia nhiều buổi biểu diễn lớn nhỏ trong và ngoài nước, giành được nhiều giải thưởng cho bản thân, điều khó khăn nhất mà Phúc gặp phải?

Hồng Phúc:  Kịch nói đòi hỏi nền tảng học vấn và tri thức rất cao, nhưng chế độ đãi ngộ thì đang rất thấp, chưa thực sự phù hợp. Vì vậy, đa phần mọi người khi mới ra trường đều gặp nỗi lo về “cơm áo gạo tiền”. Hồi mới bước chân vào làm tại sân khấu kịch Việt Nam, phải lo toan nhiều khoản chi phí như tiền nhà, ăn uống, sinh hoạt... thật khó để tôi vừa theo đuổi đam mê, vừa đảm bảo cuộc sống. 

dien-vien-hong-phuc-cam-xuc-cua-khan-gia-khi-xem-mot-vo-kich-rat-tron-ven-17

Không những thế, cường độ công việc cũng khá cao, có thể mọi người được nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nghỉ lễ Giỗ Tổ, hoặc nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật; nhưng hiện tại, đến thời điểm này, tôi và một vài anh chị em nghệ sĩ khác ở trong nhà hát từ Tết đến giờ chưa nghỉ. Công việc cứ nối tiếp nhau, không tập luyện những chương trình để biểu diễn thì cũng tập luyện chương trình để tham gia những cuộc thi, rồi tập luyện chương trình phục vụ công chúng.

PB: Được biết, việc hoàn thành một vở kịch có thể mất tới 1-2 tháng luyện tập. Các công đoạn được chuẩn bị như thế nào? 

Hồng Phúc: Nếu làm một sản phẩm truyền hình, chúng ta có thể quay đi quay lại nhiều lần cho đến khi ưng ý. Nhưng với sân khấu kịch nói, việc phối hợp, tập luyện cực kỳ nhuần nhuyễn và chính xác là rất quan trọng. Khán giả ngồi bên dưới chỉ xem một lần và một cách trực tiếp, nên việc xảy ra sai sót là điều cần tránh. Vì vậy, chúng tôi phải chuẩn bị thật cẩn thận, tỉ mỉ và chỉn chu.

dien-vien-hong-phuc-cam-xuc-cua-khan-gia-khi-xem-mot-vo-kich-rat-tron-ven-8

Kịch nói là một loại nghệ thuật tổng hợp; ngoài yếu tố văn bản và văn học kịch bản, yếu tố biểu diễn còn bao gồm sự tổng hợp của đạo diễn, âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật và điêu khắc cùng nhiều loại hình nghệ thuật khác. Vì vậy, khâu chuẩn bị cho một buổi biểu diễn không chỉ đơn giản là dựng hình, nó đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhà sản xuất, nhà thiết kế, kỹ thuật và diễn viên. Từ việc treo phông, lắp đặt màn LED, đến việc cân chỉnh ánh sáng và âm thanh, mỗi bước trong quá trình chuẩn bị sân khấu đều mang theo những thách thức riêng. Mọi tính toán từ kịch bản đến trang phục, từ phụ kiện nhỏ đến cảm xúc nhân vật đều được chăm chút. 

Banner Full Width
Banner Full Width

PB: Hiện nay, có rất nhiều loại hình nghệ thuật phát triển, tại sao kịch nói vẫn là một loại hình nghệ thuật quan trọng? 

Hồng Phúc: Vì kịch nói phản ánh những khía cạnh thực tế của đời sống. Khi xã hội phát triển, đề tài và câu chuyện trong kịch nói cũng phản ánh hơi thở của cuộc sống thực tế. Đầu tiên, phải nói về kịch bản. Khi cuộc sống thay đổi, chất liệu mà các nhà văn, nhà viết kịch sử dụng để tạo ra tác phẩm cũng thay đổi. Nó phải mang hơi thở của cuộc sống đương thời. Thứ hai, nghệ thuật biểu diễn của các diễn viên cũng khác. Hiện nay, nghệ thuật biểu diễn khác xa so với thế hệ trước, những năm 80, 90. Không phải cái nào hay hơn, mà mỗi cái phù hợp với bối cảnh và nhịp sống của thời đó.

dien-vien-hong-phuc-cam-xuc-cua-khan-gia-khi-xem-mot-vo-kich-rat-tron-ven-27

PB: Cuối cùng, Hồng Phúc muốn gửi gắm điều gì đến khán giả xem kịch nói?

Hồng Phúc: Hiện tại, có rất nhiều phương tiện giải trí, có rất nhiều cách để chúng ta giải trí mà không cần phải bước chân ra khỏi nhà. Nhưng với tôi, loại hình nghệ thuật kịch nói vẫn sẽ có chỗ đứng riêng. Khi mọi người được tận hưởng không gian nghệ thuật của một buổi diễn kịch nói, mọi người sẽ cảm thấy điều đó thật sự rất tuyệt vời. Tin tôi đi, tôi đã diễn rất nhiều trong 9 năm qua, với hàng nghìn đêm diễn, cảm xúc của khán giả khi xem một vở kịch, một tác phẩm nghệ thuật trực tiếp, vẫn rất trọn vẹn và đầy đủ. Tôi không biết phải diễn tả như thế nào, chỉ khi mọi người đến và xem, mọi cảm xúc đều hòa vào nhau. 

dien-vien-hong-phuc-cam-xuc-cua-khan-gia-khi-xem-mot-vo-kich-rat-tron-ven-1

Rất nhiều người nói rằng vì sao họ không biết sớm hơn, vì sao họ không tìm hiểu về loại hình này sớm hơn. Có những cô chú, anh chị lớn tuổi chia sẻ rằng họ đã bỏ quên kịch nói một thời gian rất dài, và khi quay lại, họ nhận ra kịch nói vẫn mang lại những cảm xúc mãnh liệt thuở ban đầu.

dien-vien-hong-phuc-cam-xuc-cua-khan-gia-khi-xem-mot-vo-kich-rat-tron-ven-2

Phía sau tấm màn nhung, nghệ thuật kịch nói vẫn luôn tỏa sáng và chờ đợi những “vị khách đặc biệt” đến và cảm nhận. Cảm ơn diễn viên Hồng Phúc với những chia sẻ này.

Bình luận