Trước đây, thời trang bền vững vốn không phải là đề được bàn luận sâu rộng trong công chúng. Để thấy một trong những biểu hiện phổ biến nhất của thời trang bền vững, kinh tế là một góc nhìn phù hợp để ta soi chiếu.
Từ sau đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, ý thức về việc bảo vệ môi trường và tích lũy tài nguyên cho các thế hệ tương lai ngày càng được truyền bá rộng rãi thông qua các kênh mạng xã hội. Điều đó trở thành một nguồn động lực thúc đẩy sức mua hàng của người tiêu dùng cho các sản phẩm thời trang bền vững. Theo infomineo.com, kể từ năm 2022, thị phần của các dòng sản phẩm thời trang có yếu tố thân thiện với môi trường đã gia tăng từ 2.83% (số liệu năm 2017) lên 4.3% trong thị trường thời trang. Và bất chấp sự tàn phá, các làn sóng cách ly và phong tỏa trong đại dịch, ngành hàng thời trang bền vững tại Mỹ vẫn chứng kiện sự gia tăng lợi nhuận với mức tăng đạt 7.5 tỷ USD.
Theo TS Adam Hayes, nhà xã hội học kinh tế tại Đại học Do Thái Jerusalem, “thời trang bền vững” được hiểu là các sản phẩm được sản xuất với quy trình tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên. Chúng có khả năng phân hủy cao hoặc dễ dàng tái sử dụng nhằm hạn chế ảnh hưởng tới môi trường sinh thái. Xu hướng thời trang này hướng tới sự phát triển bền vững và hòa hợp của các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế. Ngoài ra, còn các thương hiệu còn chú trọng về tính văn hóa dân tộc và thẩm mỹ của sản phẩm. Sau khi người tiêu dùng được chứng kiến những hệ quả tồi tệ của thời trang nhanh thông qua các bài báo, thời trang bền vững bốc chốc trở thành “đứa con cưng” trong mắt nhiều nhãn hàng.
Theo nghiên cứu Exploring sustainable fashion and consumer trends (Tạm dịch: Khám phá thời trang bền vững và xu hướng tiêu dùng) của Institute of Sustainable studies, có 50% những người tham gia khảo sát thuộc thế hệ gen Z và họ sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm thời trang bền vững, thời trang tái chế. Nhóm tác giả cũng đưa ra nhận xét rằng gen Z sẽ là lực lượng tiêu dùng chính trong tương lai khi sức mua hàng của các thế hệ Y và X giảm dần. Đây là điều dễ hiểu vì gen Z là nhóm đối tượng tiếp xúc nhiều nhất với các phương tiện truyền thông đại chúng, nơi mà các thông tin về thời trang bền vững được truyền tải nhiều nhất.
Tại thị trường thời trang Mỹ, người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ rất ưa chuộng những sản phẩm có chất liệu thân thiện với môi trường. Phổ biến là quần áo, giày dép, phụ kiện được làm từ sợi bông hoặc được tái chế từ nhựa, rác thải. Một số thương hiệu dẫn đầu trong xu hướng này có thể kể đến như Levi’s, Everlane, Allbirds, v.v.
Levi’s có thể được xem là một người dẫn đầu trong xu thế đưa các yếu tố thân thiện vào sản phẩm của thương hiệu tại Mỹ. Đơn cử là chiến dịch “Buy Better, Wear Longer” (Tạm dịch: Mua đồ tốt hơn, sử dụng được lâu hơn) để khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm may mặc chất lượng, có thương hiệu có độ bền cao. Chiến dịch này thể hiện sự cam kết của thương hiệu đối với việc bảo vệ môi trường trong khâu sản xuất sản phẩm vừa là một “món ngon” xuất hiện đúng thời điểm người tiêu dùng đang dành nhiều sự quan tâm cho thời trang bền vững.
Tại thị trường thời trang Việt Nam, có hai nhóm thương hiệu kinh doanh thời trang bền vững. Trước hết là các thương hiệu đã xác định theo đuổi xu hướng bền vững ngay từ đầu như Môi Điên, Kilomet109, Metiseko, Timtay, v.v. Thứ hai là các thương hiệu chuyển hướng sang thời trang bền vững như Re.socks Vietnam, DAS LA VIE, YODY, v.v. do gặp khó khăn về vốn, thị trường và một số nguyên nhân khác.
Có thể thấy rằng, cách hiểu và định nghĩa về thời trang bền vững hiện nay vẫn đang tập trung chủ yếu vào mối tương quan của thời trang bền vững đối với hệ quả của thời trang nhanh, các thương hiệu thời trang lớn, các chiến dịch bán hàng. Thế nhưng liệu đó đã là toàn bộ những gì ta cần biết về thời trang bền vững?
Chị Nguyễn Hiền Nhi (nhà sáng tạo nội dung về thời trang trên TikTok với 350.000 người theo dõi, tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế, Trường Đại học Kingston) chia sẻ: “So với các nước khác, thời trang bền vững ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ, chỉ mới ở bước khởi đầu”.
Hiện nay định nghĩa về thời trang bền vững xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Với sự phát triển của Internet và bùng nổ thông tin trên các mạng xã hội, người trẻ dễ rơi vào tình trạng bội thực thông tin, không nắm được bản chất vấn đề. Theo Hiền Nhi, thời trang bền vững thực chất là tất cả những hành động góp phần giảm thiểu chất thải ra môi trường. Điều này đồng nghĩa với việc kéo dài thời gian sử dụng của quần áo lâu nhất có thể; và khi quần áo không còn mặc được thì phải được xử lý đúng nơi đúng cách chứ không xả thải tùy tiện.
Từ việc thời trang bền vững không có một khái niệm được công nhận đông đảo nên không phải người tiêu dùng nào cũng có cách hiểu đúng về thời trang bền vững. Một kết quả đúng cần một phương pháp đúng. Nếu cách hiểu về một vấn đề bị sai lệch hoặc chưa đầy đủ thì sẽ dễ dẫn đến phương pháp, cách thức thực hiện. Một ví dụ điển hình là thực trạng người trẻ đua nhau mua đồ secondhand như là một cách bảo vệ môi trường.
Nhận định về vấn đề này, ThS Lê Thị Thanh Nhàn - Trưởng ngành Thiết kế thời trang của Trường Đại học Văn Lang cho rằng cốt lõi của thời trang bền vững không phải là mua đồ mới hay đồ si mà nằm ở việc kéo dài vòng đời của loại quần áo mà bạn sử dụng lâu nhất có thể. Thời trang bền vững là khi bạn mua và sử dụng một món đồ, đến khi nó không thể được sử dụng được nữa thì nó phải được chuyển đến một nơi xử lý đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Rồi từ các nguyên liệu đó có thể được xử lý để tạo ra các sản phẩm khác”, cô cho biết.
Theo cô Thanh Nhàn, thời trang bền vững giờ đây không còn là xu thế mà đã phát triển thành lối sống. Vì thế nếu người trẻ hiểu được tác hại đối với môi trường, cách xử lý của những gì mình tiêu dùng, thải ra hằng ngày thì họ sẽ xây dựng được lối sống xanh.
Bền vững không chỉ là những khái niệm xa vời mà luôn có thể bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất hằng ngày!
Bình luận