Ngày Tết cổ truyền là dịp lễ lớn nhất tại Việt Nam để mọi người sum vầy và nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Đồng thời, đây là thời điểm thích hợp để du xuân, đi lễ cầu mong cho một năm may mắn, nhiều tài lộc. Hãy cùng Profbeauty tham khảo các lễ hội Tết trải dài trên khắp ba miền Bắc - Trung - Nam dưới đây nhé!
Lễ hội ở miền Bắc
1. Lễ hội Chùa Hương
- Địa điểm tổ chức: Chùa Hương, Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội
- Thời gian diễn ra: Ngày 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch
Lễ hội chùa Hương là một trong số các lễ hội Tết cổ truyền nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam, thu hút đông đảo du khách về hành hương cõi Phật và chiêm ngưỡng khung cảnh non nước hữu tình.
Phần lễ của lễ hội chùa Hương rất đặc sắc và thể hiện trọn vẹn tín ngưỡng thờ cúng dân gian của người miền Bắc nói riêng. Trong ngày này, hai quả pháo lớn sẽ được rước từ nhà đám trưởng ra đình cùng với đoàn tế hàng trăm người.
Trong phần hội, nhiều hoạt động văn hóa thể thao sôi động sẽ được diễn ra trên các tuyến đường, thôn làng của xã Hương Tích, chẳng hạn như chèo thuyền, leo núi, hát chầu văn… Khi đi dọc trên các bến đò hay tuyến đường của Hương Tích vào những ngày này, du khách luôn luôn nghe được những làn điệu dân ca hát chèo, hát xẩm rất độc đáo và thú vị.
Lễ hội chùa Hương chắc chắn là một điểm đến hấp dẫn mà bạn không thể bỏ qua khi du hí mùa Tết. Hãy chuẩn bị đầy đủ hành lý và đến thăm nơi Chúa Trịnh Sâm đã ưu ái đề lên cửa động 5 chữ “Nam Thiên Đệ Nhất Động” nhé.
2. Lễ hội Yên Tử Quảng Ninh
- Địa điểm tổ chức: Chùa Yên Tử, Thượng Yên Công, Uông Bí, Quảng Ninh
- Thời gian diễn ra: Ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch
Cùng với lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử cũng là lễ hội Tết nổi tiếng, thu hút du khách thập phương tới dâng hương, vãn cảnh. Khu di tích Yên Tử bao gồm hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây tự nhiên đã trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn.
Lễ hội bắt đầu bằng các nghi lễ được tổ chức long trọng ở chân núi Yên Tử. Sau đó là cuộc hành hương lên ngôi chùa nằm chót vót trên đỉnh núi - chùa Đồng. Tham gia lễ hội, bạn sẽ có vô vàn trải nghiệm thú vị trên hành trình tìm về đất Phật:
- Tham quan chùa Đồng nằm ở độ cao 1068m so với mặt nước biển, tạo cho du khách cảm giác như đang đi trên mây;
- Chiêm ngưỡng ngọn tháp bằng đá cao 3 tầng được xây dựng từ năm 1758;
- Ghé suối Giải Oan nghe câu chuyện về lòng trung thành của hàng trăm cung nữ;
- Vãn cảnh Tháp Tổ, chùa Hoa Yên, chùa Bảo Sái, chùa Một Mái,...
Lễ hội Yên Tử Quảng Ninh lưu giữ những giá trị tinh thần to lớn đối với mỗi người con đất Việt. Xuân này, bạn hãy ghé đến hội chùa Yên Tử để có vài ngày tách mình khỏi thế giới trần tục, hành hương về với đất Phật linh thiêng!
Lễ hội ở miền Trung
1. Lễ hội Đền Vua Mai
- Địa điểm tổ chức: Khu di tích lịch sử quốc gia Vua Mai Hắc Đế, thị trấn Nam Đàn, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
- Thời gian diễn ra: từ ngày 13 đến 17 tháng Giêng
Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của vua Mai Hắc Đế (tên thật là Mai Thúc Loan); để tỏ lòng thành kính của nhân dân đối với vị Anh hùng dân tộc cũng như các tướng lĩnh của Mai Hắc Đế.
Lễ hội được tổ chức quy mô lớn và long trọng gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội kéo dài trong 3 ngày đêm liên tục với nhiều hình thức sinh hoạt vừa mang tính tôn nghiêm, trang trọng của phần lễ như lễ yết cáo, lễ rước, lễ dâng hương tưởng niệm Vua Mai, lễ đại tế.
Đến với Lễ hội Đền Vua Mai, du khách được đắm mình vào không khí truyền thống văn hóa hàng ngàn đời của cha ông, thưởng ngoạn các hoạt động văn hóa thể thao truyền thống như đua thuyền, đấu vật, đánh cờ, chọi gà, đu tiên, đu quay, đẩy gậy, thi làm cỗ xôi gà, thi đấu bóng chuyền, cắm trại, ca múa hát, du thuyền, biểu diễn nghệ thuật hát dân ca.
Hy vọng bạn sẽ có cơ hội ghé đến vùng đất Nghệ An vào tháng Giêng hằng năm để tham gia và trải nghiệm các phần của lễ hội độc đáo này nhé!
2. Lễ hội Cầu Ngư
- Địa điểm tổ chức: Miếu Thuyền, Thanh Khê, Đà Nẵng
- Thời gian diễn ra: Ngày 14 đến 16 tháng Giêng âm lịch
Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng, hay còn được biết với tên Lễ tế Cá Voi, là nét văn hóa thường niên và mang tính tâm linh. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của ngư dân thành phố Đà Nẵng và thu hút đông đảo người dân cũng như tín đồ du lịch tham gia.
Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng có phần Lễ Nghinh Ông, lễ cầu an và cầu ngư trên biển để tưởng nhớ các bậc tiền nhân quá cố, đồng thời cầu mưa thuận gió hòa, cầu an cho dân làng đánh bắt hải sản thuận lợi và bội thu.Bàn thờ trong lễ hội được trang hoàng như một cách rực rỡ và trang nghiêm.
Sau phần Lễ nghiêm trang, Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng tiếp tục với phần Hội nhộn nhịp và sôi động. Các trò chơi bao gồm lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bóng…
Ngoài ra, trong phần văn nghệ, người ta có thể nghe những dòng nhạc truyền thống như hát tuồng, hò bá khoan và đặc biệt là múa hát bả trạo, tượng trưng cho tinh thần đoàn kết trong một con thuyền khi đối mặt với nhiều khó khăn trên biển.
Lễ hội ở miền Nam
1. Lễ hội Tết Nguyên Tiêu ở Hội An
- Địa điểm tổ chức: Các di tích tín ngưỡng ở Hội An
- Thời gian diễn ra: Ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch
Tết Nguyên tiêu xuất phát từ quan niệm dân gian của người dân phố Hội. Họ cho rằng đây là ngày mà các quan nhà trời sẽ ban phước lành đến cho muôn dân. Vì vậy, người dân địa phương từ rất lâu đã có truyền thống tổ chức cúng tế, giải hạn, cầu an, trang hoàng nhà cửa trong dịp này.
Đây cũng là một trong những lễ hội mang nhiều ý nghĩa tâm linh, là dịp để người dân và du khách bày tỏ lòng thành kính với các bậc hiền triết, cầu mong về một năm mới thịnh vượng, an khang.
Hoạt động mong chờ nhất trong những ngày Tết Nguyên tiêu ở Hội An đó chính là thả đèn hoa đăng, cầu bình an trên sông Hoài Hội An. Du khách sẽ được di chuyển bằng những con thuyền, sau đó cầm trên tay những chiếc đèn hoa đăng, bên trong là ánh đèn lung linh, huyền ảo.
Trong khuôn khổ dịp Tết Nguyên tiêu, người dân Hội An sẽ tổ chức rất nhiều những hoạt động để gắn kết cộng đồng, điển hình như: trò chơi dân gian trẻ em, trò chơi Bịt mắt đánh trống, hô hát Bài chòi, gấp lá dừa, dịch vụ xe cổ và mặc trang phục Việt Nam… Đây là dịp để khách du lịch thập phương có thêm nhiều trải nghiệm về văn hóa độc đáo của Hội An.
2. Lễ hội núi Bà Đen
- Địa điểm tổ chức: Khu di tích núi Bà Đen, Hòa Thành, Tây Ninh
- Thời gian diễn ra: Ngày 10 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch
Hằng năm, Núi Bà Đen Tây Ninh có hai lễ hội lớn chính là Hội Xuân núi Bà và Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu (Lễ Vía Bà). Hội Xuân Núi Bà Đen Tây Ninh là dịp quan trọng được mọi người quan tâm và tham gia.
Hội xuân Núi Bà Đen Tây Ninh không những thể hiện bản sắc dân tộc một cách sâu sắc mà còn truyền tải những ước mong của người dân mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là một nét đặc trưng trong văn hóa của người dân Nam Bộ mà tất cả chúng ta nên gìn giữ, phát huy và lưu truyền đến thế hệ mai sau.
Đến hành hương tại núi Bà, bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 hình thức là tản bộ hoặc đi bằng cáp treo. Đi bằng hình thức nào thì cũng có những điểm thú vị riêng, hãy trải nghiệm nhé!
Bình luận