“CODA”: Vẫn là giai điệu đến từ trái tim

Là chủ nhân tượng vàng ở hạng mục “Phim Hay nhất” tại lễ trao giải Oscar lần thứ 94 vừa qua. CODA đã chạm đến đáy lòng khán giả với câu chuyện về tình cảm gia đình độc đáo, mới lạ nhưng sâu lắng.

“CODA”: Vẫn là giai điệu đến từ trái tim

Bộ phim thuộc thể loại hài – chính kịch do Sian Heder viết kịch bản và đạo diễn. CODA xoay quanh Ruby Rossi (Emilia Jones), cô là người duy nhất có thể nghe được trong gia đình khiếm thính của mình. Sau khi phát hiện được giọng hát trời phú và niềm đam mê ca hát của bản thân, Ruby phải lựa chọn giữa việc thực hiện nghĩa vụ với gia đình và theo đuổi ước mơ của mình.

CODA đã xuất sắc đạt 94/100 điểm từ trang RottenTomatoes (web phê bình điện ảnh hàng đầu thế giới). Cây bút Siddhant Adlankha từ tờ Observer nhận xét: “Mỗi cảnh phim mang đến những làn gió đầy mới mẻ nhưng dễ gây hiểu lầm. Tuy vậy, đến cuối cùng bộ phim vẫn kết thúc tuyệt đẹp và là một trong những cái tên thỏa mãn công chúng nhất năm nay”.

Bình cũ rượu mới

Điều thú vị mà CODA mang đến cho khán giả là một đột phá mới về câu chuyện tình cảm gia đình. Sian Heder đã thông minh trong việc xây dựng một gia đình bất thường để làm nổi bật những điều phi thường trong họ.

Vì cả ba mẹ (Troy Kotsur và Marlee Matlin đóng) và anh trai (Daniel Durant đóng) đều không thể nghe được nên Ruby phải dành hầu hết thời gian để giúp người thân của mình. Điều đó một mặt tô đâm tình cảm gia đình bền chặt của họ nhưng cũng dễ dàng cho chúng ta thấy chính người thân là sợi xích kìm hãm sự phát triển của Ruby. Người cha luôn cần con gái để giúp đỡ cho việc đánh bắt cá. Người anh cảm thấy bản thân thừa thãi vì không thể giúp ích cho gia đình. Người mẹ mặc cảm với xã hội vì khiếm khuyết của bản thân.

CODA is a Moving Representation of the Many Varieties of Expression ‹  Literary Hub

CODA” Is a Feel-Bad Feel-Good Movie | The New Yorker
Những rắc rối xoay của gia đình Ruby đều xoay quanh khiếm khuyết của các thành viên.

Không chỉ là cuộc đấu tranh tư tưởng trong gia đình mà CODA còn gián tiếp phơi bày vô vàn góc khuất trong cuộc sống của những khiếm thính. Gia đình Ruby bị những tên thương lái mua cá lừa gạt, bị người khác xem thường, bản thân Ruby thì bị bạn bè ở trường học bắt nạt…

Từ đó thứ “bình cũ rượu mới” của nữ đạo diễn 45 tuổi đã thật sự lôi kéo ánh nhìn của khán giả trước những tượng đài phim về tình cảm gia đình như: Away We Go (2009), Big Fish (2003), Hannah and Her Sisters (1986)…

Im lặng là vàng

Ông bà ta thường có câu: “Im lặng là vàng”, câu thành ngữ này khi đặt vào trường hợp của CODA lại đúng một cách lạ thường.

Những mâu thuẫn ở nửa đầu bộ phim có thể dễ khiến người xem nhầm lẫn rằng gia đình Ruby đang xem cô như một công cụ chứ không nghĩ cho tương lai của cô. Thế nhưng từng phút từng giây ở nửa sau bộ phim lại bác bỏ điều đó. Tuy người thân của Ruby không thể nghe được âm thanh của cuộc sống, không thể nghe giọng hát của Ruby nhưng họ vẫn âm thầm ủng hộ cô.

CODA' star explains how a real-life moment led to an emotional scene on  screen
Gia đình Ruby vẫn đến xem và động viên cô hát bất chấp việc họ không nghe được giọng cô. Nguồn: Jugo Mobile.

Cha cô chọn bán chiếc tàu cá là kế sinh nhai của gia đình để trả tiền phạt chứ không để cô con gái làm cả đời để trả khoản tiền ấy. Anh trai Ruby thì không muốn cô phải gắn bó mãi với công việc đánh cá mà phải được theo đuổi đam mê của bản thân. Mẹ Ruby ban đầu sợ con gái mình sẽ thất bại vì bà không nghe được giọng hát của cô nhưng đến cuối bà rất vui khi Ruby dũng cảm nhận ra tài năng của mình.

Mặc dù tầng tầng lớp lớp chuyển biến trong phim là như thế nhưng ekip phim đã sắp xếp chúng một cách logic và dễ hiểu. Về vấn đề này, Clarisse Loughrey từ tờ Independent bình luận: “Tuy có nhiều thứ diễn ra trong CODA, bộ phim vẫn nhẹ nhàng, tình cảm”.

Vô thanh hữu sắc

Với sự xuất hiện của không ít ngôn ngữ ký hiệu trong phim, Sian Heder cùng ekip đã truyền tải câu chuyện cảm động của CODA  một cách đẹp mắt, tươi mới hơn bao giờ hết.  

Gia đình Rossi không những cho khán giả thấy được sự muôn màu muôn vẻ trong cách giao tiếp giữa những người khiếm thính mà còn là sự kết nối giữa những ký hiệu mà họ đưa ra. Có thể đối với một số người, các ký hiệu của họ là phức tạp và khó nhớ, thế nhưng chính vì lẽ đó mà nó lại mang đậm dấu ấn, giá trị ẩn chứa bên trong. Tuy vô thanh nhưng lại hữu sắc.

Xem CODA bạn có thể không ấn tượng với cảnh quay hay cách sắp xếp tình tiết trong phim nhưng bạn chắc chắn sẽ ghi nhớ những ký hiệu đặc biệt này trong đầu. Đôi lúc một cử chỉ đơn giản lại thấm đẫm tình cảm hơn nhiều so với một câu nói ngọt lịm. Đặc biệt phải dành lời khen ngợi cho Emilia Jones khi cô không những sử dụng thành thạo ngôn ngữ ký hiệu mà còn đưa chất hồn và cảm xúc của mình vào trong đó.

CODA Ending & Real Meaning Explained
Ruby( Emilia Jones) gửi ký hiệu “tôi yêu bạn” đến gia đình mình ở cảnh cuối của phim. Nguồn: Screenrant.

Nhiều khán giả trên trang Metacritic đồng loạt cho rằng CODA là bộ phim về người khiếm thính hay nhất họ từng xem với 146 bình chọn tích cực trên 182 bình chọn.

CODA với chiến thắng tại lễ trao giải Oscar năm nay có thể được xem là “giọt nước nhỏ làm rúng động biển lớn”. Riêng đạo diễn Sian Heder “bỏ túi” thêm cho mình một cúp vàng ở hạng mục Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất và Troy Kotsur chiến thắng giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Bình luận