BST "Cao họa Pháp Lam" của Tăng và sự nâng tầm di sản văn hóa Việt

Trong BST “Cao họa Pháp Lam”, Tăng đã đưa họa tiết tranh Hàng trống với tác phẩm Ngũ hổ và Cá chép vượt vũ môn, tranh Đông Hồ với bức Thiên hạ thái bình vào “đứa con tinh thần” mới nhất của mình.

BST "Cao họa Pháp Lam" của Tăng và sự nâng tầm di sản văn hóa Việt

Tăng luôn dành sự trân trọng đặc biệt cho di sản văn hóa Việt Nam. Các thiết kế của thương hiệu thường lấy cảm hứng từ những hình ảnh, họa tiết quen thuộc trong văn hóa dân gian, kiến trúc cung đình hay các di tích lịch sử. Nhờ vậy, mỗi bộ sưu tập của Tăng đều mang đậm bản sắc dân tộc, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam đến với công chúng trong nước và quốc tế. Không chỉ là thời trang, những thước vải gấm lụa giá trị, những họa tiết thêu tay chứa đựng giá trị hồn cốt, kể câu chuyện về văn hoá Việt.

Trong bộ sưu tập mới BST Cao họa Pháp Lam lần này bên cạnh những họa tiết Pháp Lam gốc xuất hiện trong kiến trúc cung đình, Tăng đã dựa vào lối vẽ và đề tài để sáng tạo hoạ tiết thêu riêng. Đặc biệt Tăng đã mang dấu ấn của hai dòng tranh dân gian Bắc Bộ vào trong dự án này đó là tranh Hàng trống với tác phẩm Ngũ hổ và Cá chép vượt vũ môn; tranh Đông Hồ với bức Thiên hạ thái bình nhưng đã được sáng tạo với bản phối màu và bố cục mới để tạo sự hài hòa trên trang phục - đây cũng chính là “ẩn số” mà trước đó Tăng từng đề cập tới khi giới thiệu về dự án.

Trên mỗi thiết kế của Tăng trong BST lần này, họa tiết xuất hiện xuyên suốt đó là vân mây ngũ sắc – họa tiết vốn cổ và đặc trưng của kiến trúc cung đình Huế nói riêng, nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói chung.

Cố đô Huế nói chung và cung thành Huế nói riêng – có thể coi là nơi còn lưu giữ rõ nét nhất về một thuở vàng Son; Nơi mà kiến trúc và những công trình đồ sộ phản ánh nền nghệ thuật đỉnh cao cùng các di sản văn hoá Việt. Một trong số đó là nghệ thuật Pháp Lam, với hành trình lịch sử thăng trầm và giàu ý nghĩa.

Với Huế, di sản pháp Lam có rất nhiều nét văn hoá tiêu biểu. Tăng đã chọn ra 3 chủ đề rõ nét để truyền tải đó chính là việc đưa họa tiết Bát Bửu vào trong đồ án thêu, đưa tranh dân gian tiêu biểu của Bắc Bộ vào đồ án thêu theo cảm hứng pháp Lam; sáng tạo họa tiết dựa trên cảm hứng về Pháp Lam. Tuy nhiên tất cả không chỉ là sao chép trên tác quyền và chuyển thể mà có sáng tạo về bố cục, màu sắc để hài hoà và mang tính thời trang cao hơn.

Các thiết kế của Tăng đều mang câu chuyện dễ đồng cảm, sự đặc biệt ở chất liệu nhung lụa truyền thống và nghệ thuật thêu tay, tự nó đã tạo nên nhận biết rõ nét, riêng biệt và độc bản cho thương hiệu của Tăng từ khi khởi sinh đến nay.

Tuy nhiên, khi theo con đường riêng, Tăng gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt khi chất liệu không quá phong phú, và đắt đỏ. Việc của Tăng là phải kiên định và tôn lên giá trị từ chất liệu. Từ dệt lụa cho tới thêu tay, tất cả đều làm thủ công, hạn chế về thời gian hoàn thiện sản phẩm.

Nhưng chính những hạn chế đó lại thôi thúc sự sáng tạo và những nghệ nhân của Tăng đã dành nhiều tâm sức để nghiên cứu những họa tiết dệt mang dấu ấn thương hiệu.

Tuy lấy cảm hứng từ truyền thống, Tăng không hề đóng khung mình trong những khuôn mẫu cũ kỹ. Thay vào đó, thương hiệu luôn không ngừng sáng tạo và đổi mới, biến tấu những nét đẹp truyền thống theo cách riêng biệt, phù hợp với xu hướng thời trang hiện đại. Nhờ sự sáng tạo này, các thiết kế của Tăng không chỉ đẹp mắt mà còn mang tính ứng dụng cao, phù hợp với nhiều hoàn cảnh và đối tượng sử dụng.

Trong các bộ sưu tập của Tăng luôn đề cao tính chính sử cũng như sự tư vấn của các chuyên gia. Tiếp nhận thông tin chính thống, đa chiều và luôn trau dồi kiến thức. Làm sao đảm bảo được sự sáng tạo nhưng vẫn phải giữ được những giá trị cốt lõi, vẫn là những giá trị nguyên bản của văn hoá truyền thống Việt. Và sự sáng tạo làm đương đại và nối dài những giá trị ấy sống dài với bao thế hệ người Việt.

Tăng là một thương hiệu thời trang Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Với những giá trị nghệ thuật độc đáo và thông điệp ý nghĩa, Tăng đã và đang góp phần đưa di sản văn hóa Việt Nam đến gần hơn với công chúng, đồng thời khẳng định vị thế của thời trang Việt Nam trên bản đồ thời trang thế giới.

Bình luận