Năm 2025, Việt Nam tròn 50 năm sống trong hòa bình, độc lập – một chặng đường nửa thế kỷ không chỉ đổi thay về kinh tế, chính trị mà còn là sự bứt phá mạnh mẽ của văn hóa và lối sống. Giữa những chuyển động liên hồi ấy, thời trang - ngôn ngữ thị giác sinh động nhất đã trở thành tấm gương phản chiếu trung thực những biến chuyển của xã hội Việt.

1970s – Hơi thở tự do thấm vào từng nếp vải
Những năm 70, đất nước Việt Nam vừa ngừng tiếng súng, chưa kịp hàn gắn hết những vết thương chiến tranh, nhưng nhịp sống mới đã bắt đầu cựa mình mạnh mẽ. Trong những ngày tháng đầu tiên của hòa bình, hơi thở tự do ùa vào từng ngóc ngách đời sống, và thời trang cũng không nằm ngoài dòng chảy ấy.
Ảnh hưởng từ phong trào Hippie phương Tây, người Việt trẻ lúc bấy giờ nhanh chóng say mê những thiết kế quần ống loe rộng thùng thình, áo sơ mi tay phồng đậm chất phóng khoáng. Tủ quần áo trở nên đa sắc hơn: vải jeans bụi bặm, những chiếc áo thun ôm sát cơ thể, váy mini đầy táo bạo.
Phong cách này không chỉ là sự "bắt trend" thời thượng, mà còn là tuyên ngôn âm thầm cho khao khát phá bỏ những khuôn mẫu cũ kỹ, hướng đến một xã hội bình đẳng, hiện đại hơn. Phụ nữ Việt Nam dần rũ bỏ sự rụt rè, khẳng định bản thân qua cách họ lựa chọn từng món đồ, từng kiểu tóc, từng cách phối phụ kiện.
1980s – Khi thời trang hóa thành tuyên ngôn quyền lực
Bước vào thập niên 80, Việt Nam vừa trải qua những biến động lớn về kinh tế, và cũng là lúc phong cách thời trang trở nên sắc nét và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ảnh hưởng của phương Tây tiếp tục lan tỏa, đặc biệt là trào lưu "power dressing" – nơi những bộ suit quyền lực dành cho nữ giới lên ngôi. Hình ảnh người phụ nữ Việt khoác blazer vai độn, đi giày mũi nhọn, tóc đánh phồng cao vút và môi son đỏ thắm dần trở thành biểu tượng của một thế hệ đang vươn lên mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, disco – thứ âm nhạc rộn ràng của thập niên – cũng phủ sắc màu rực rỡ lên thời trang. Những gam màu neon chói lọi, họa tiết hình học to bản, váy áo lấp lánh ánh kim tràn ngập các buổi tiệc, sàn diễn và thậm chí cả đường phố Việt Nam. Thời trang không còn là tấm áo che thân, nó trở thành sân khấu để người trẻ thể hiện cá tính, mơ ước và tinh thần tự do cháy bỏng của mình.
1990s – 2000s: Phóng khoáng, hội nhập và bùng nổ cá tính
Nếu những năm 70, 80 là bước đầu tiên khẳng định cái tôi, thì vào thập niên 90 và đầu 2000s, thời trang Việt chính thức bước vào kỷ nguyên phóng khoáng, năng động và đậm màu sắc cá nhân.
Nhờ sự du nhập mạnh mẽ của điện ảnh Hong Kong – đặc biệt là những bộ phim TVB nổi đình nổi đám – phong cách người Việt ảnh hưởng sâu đậm từ giới nghệ sĩ xứ Cảng Thơm: quần mom jeans cạp cao, áo thun oversize, áo khoác bomber, đồ thể thao casual… Phong cách trang điểm cũng chuyển mình: đôi môi đỏ mọng nổi bật trên nền da tự nhiên, hàng lông mi dày quyến rũ và những mái tóc uốn phồng nhẹ, lãng mạn.
Bước sang đầu những năm 2000, cùng với làn sóng internet, thời trang Việt thực sự "nối mạng" toàn cầu. Quần cạp trễ, crop-top, váy mini quyến rũ thay thế hình ảnh e ấp trước đây. Thời trang trở nên gợi cảm hơn, liều lĩnh hơn, bứt phá mọi giới hạn hình dung về cái đẹp. Người trẻ không ngần ngại chọn những món đồ nổi loạn, thách thức những chuẩn mực ăn mặc vốn có.
2010s – Cơn sóng logomania và khúc giao mùa phong cách
Thập niên 2010 chứng kiến bức tranh thời trang Việt Nam đa dạng đến "choáng ngợp". Thế hệ Millennials tiếp cận thế giới rộng lớn qua mạng xã hội, họ nhanh chóng cập nhật, thử nghiệm đủ mọi trào lưu mới: skinny jeans ôm sát, phong cách athleisure kết hợp giữa thể thao và thời trang cao cấp, trào lưu đinh tán, áo da gai góc,...
Đặc biệt, "cơn lốc" logomania – mốt khoe logo thương hiệu – bùng nổ mạnh mẽ. Dạo bước trên những con phố lớn, không khó để bắt gặp hình ảnh những chàng trai, cô gái khoác lên người loạt item mang dấu ấn các nhà mốt quốc tế như Gucci, Louis Vuitton, Supreme...
Sự giao thoa East meets West (Đông Tây hội ngộ) trở nên rõ rệt trong từng cách phối đồ. Một chiếc áo dài cách tân có thể phối cùng sneakers, một bộ suit có thể đi kèm nón bucket trẻ trung – phản ánh sự sáng tạo không giới hạn của thế hệ mới.
2020s – Giản đơn hóa, cá nhân hóa và công nghệ hóa
Đại dịch COVID-19 như một cơn sóng lớn, làm chao đảo thói quen và gu thẩm mỹ của cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Người ta tìm về sự giản đơn, an toàn và bền vững. Phong cách oversize, tối giản (minimalism), các chất liệu thân thiện với môi trường trở thành lựa chọn ưu tiên. Tủ quần áo cũng được tinh gọn, ưu tiên những món đồ linh hoạt, dễ phối và đa dụng.
Đồng thời, từ năm 2022, sự lên ngôi của micro-trend – những xu hướng vi mô như Y2K, mermaidcore, blokecore, quiet luxury – cho thấy thời trang ngày nay không còn đơn thuần là chạy theo mùa mốt, mà là sân chơi của những cá tính độc bản. Người Việt trẻ tự tin khoác lên mình những bộ cánh kể câu chuyện riêng, thể hiện gu thẩm mỹ lẫn cá tính rõ nét trong thế giới hỗn độn.
Trí tuệ nhân tạo, blockchain, NFT... cũng bắt đầu định hình cách thời trang vận hành, mở ra chương mới cho thời trang Việt – nơi công nghệ và sáng tạo nghệ thuật quyện hòa vào nhau.
Áo dài – Dòng chảy bất biến trong nhịp sống thời trang
Mặc cho thế giới ngoài kia đổi thay từng giờ, từng phút, áo dài vẫn kiêu hãnh vững vàng như ngọn hải đăng trong dòng chảy thời trang Việt Nam. Từ những năm tháng chiến tranh gian khổ, qua những thập kỷ đổi mới, hội nhập, đến hiện tại – nơi cuộc sống hiện đại đan xen văn hóa toàn cầu, áo dài vẫn hiện diện như biểu tượng thiêng liêng của vẻ đẹp Việt.
Không còn bị "đóng khung" cho những dịp lễ trọng, ngày nay áo dài được ứng dụng sáng tạo hơn: từ trang phục thường nhật, dự sự kiện, đến trang phục biểu diễn nghệ thuật. Những concert quy mô lớn, như "Anh trai vượt ngàn chông gai", đã chứng kiến khoảnh khắc kỳ diệu khi hàng ngàn người Việt cùng khoác lên mình tà áo dài, lập kỷ lục Guinness thế giới.
Và sắp tới, trong đại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/2025), chắc chắn những con phố ngập tràn màu cờ sắc áo sẽ thêm phần rực rỡ với hình ảnh áo dài bay phấp phới như lời nhắn gửi tự hào của quá khứ đến hiện tại, của truyền thống bền chặt giữa thời đại đổi thay.
Bình luận