Một Chanel “tình tứ” dưới bàn tay của Virginie Viard

Giới mộ điệu có lẽ đã quá quen một Chanel lộng lẫy, xa hoa với các thiết kế đính kết đá quý, thêu hạt cùng các tông màu sang trọng của Karl Lagerfeld. Thế nhưng câu chuyện của nhà mốt Pháp dưới thời học trò của ông - bà Virginie Viard lại đậm tính nhã nhặn, thùy mị.

Một Chanel “tình tứ” dưới bàn tay của Virginie Viard

Như ProfBEAUTY đã đưa tin trước đó, Giám đốc nghệ thuật của Chanel - bà Virginie Viard đã từ chức và chính thức chia tay nhà mốt Pháp sau hơn 30 năm đồng hành. Hãy cùng ProfBEAUTY nhìn lại một số dấu ấn của bà Virginie ở vai trò nhà thiết kế chính, người viết nên những trang hành trình mới cho Chanel từ năm 2019-2024. 

Quay về nguồn cội

Vẻ đẹp nữ tính, cổ điển, thanh lịch vẫn luôn là sợi chỉ chạy xuyên suốt mạch sáng tạo của không chỉ các tên tuổi lớn như Gabrielle Chanel, Karl Lagerfeld hay Virginie Viard mà còn là cả chiều dài lịch sử của nhà mốt Pháp. “Đóa hoa trà” dưới bàn tay vun đắp của Virginie không rực rỡ, bát ngát như người thầy quá cố của mình, song bà vẫn có những cách riêng để lột tả tinh thần của nhà mốt. 

Bắt đầu danh sách này với BST Chanel Ready to wear Thu-Đông 2023 có vẻ là một sự lựa chọn an toàn trong mắt nhiều người. Với 66 mảnh ghép của BST, những di sản mà Chanel tự hào và trân quý được Virginie thể hiện đặc biệt cụ thể. Đó là sự xuất hiện bao trùm của chất liệu vải tweeds; biểu tượng hoa trà huyền thoại được thể hiện dưới nhiều hình thức như họa tiết vải, in 3D hay chế tác thành trang sức; đồng thời silhouette của các thiết kế cũng đều là những mẫu quen thuộc mà bạn đọc đã bắt gặp trong các BST khác của Chanel. 

BST Chanel Ready to wear Thu-Đông 2023. Ảnh: ImaxTree.

Virginie đã đưa người xem tại phòng triển lãm Grand Palais Éphémère (Paris, Pháp) và khán giả quốc tế cùng quay về nguồn cội của Chanel. Bà khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ giá trị gốc rễ, cốt lõi trước sự biến động của thời gian.

Góc nhìn khác về Haute Couture

Haute couture dưới thời các đời Giám đốc nghệ thuật trước đó của Chanel và đặc biệt là Karl Lagerfeld luôn nổi tiếng với các thiết kế xa hoa, kiểu cách. Các thiết kế haute couture đầm dạ hội, đầm bó sát, đầm midi được xử lý bằng các chất liệu xa xỉ, kết hợp cùng các sợi xích vàng, đính đá trên vải, trang sức hoa trà... vốn là những điều công chúng nhớ về haute couture của Chanel. Thế nhưng khi đến thời của Virginie Viard, các BST Haute Couture lại được khoác lên mình một tinh thần rất khác. 

BST Chanel Haute Couture Thu 2022. Ảnh:ImaxTree.

Với BST Chanel Haute Couture Thu 2022, Virginie mang đến một màn trình diễn đầy bất ngờ pha đôi chút lạ lẫm với những người hâm mộ si mê sự lộng lẫy. BST nổi bật với những thiết kế suit cùng các tông màu sáng, silhouette đơn giản với chất liệu chính là vải tweeds. Bên cạnh đó vẫn có những thiết kế đầm, váy nhưng vẫn được truyền tải với tinh thần mộc mạc, giản dị ấy. 

Haute Couture của Virginie Viard đưa thời trang quay về đúng với công dụng chính của nó là ăn mặc. Vì vậy, bà ưu tiên sự thoải mái, tối giản, lược bớt các chi tiết không cần thiết. Virginie cho ta thấy một góc nhìn khác về haute couture khi dòng trang phục này không nhất thiết phải luôn cầu kỳ, lồng lộn mà có thể đơn giản, tinh tế nhưng vẫn giữ được tinh thần của nhà mốt.

Mang hội họa vào thời trang

Một trong những dấu ấn mang đậm tính nghệ thuật trong hành trình của Virginie Viard tại Chanel ắt hẳn là BST Chanel Haute Couture Thu-Đông 2021. Lần này, bà đã mang một lát cắt từ nền hội họa vĩ đại của nước Pháp vào những thiết kế thời trang của mình.

BST Chanel Haute Couture Thu-Đông 2021. Ảnh: ImaxTree.

BST bên cạnh những thiết kế suit, áo, váy quen thuộc với chất liệu vải tweeds còn có các thiết kế áo khoác và váy đính hoa thêu, họa tiết hoa đầy màu sắc. Bảng màu của BST lần này là sự kết hợp với các tông màu trầm vốn thấy của Chanel và những tông màu tươi sáng hơn như xanh ngọc, xanh aquamarine, hồng, vàng, trắng kem,...

Phi ngựa trên sàn diễn

Nếu nhắc về dấu ấn lớn nhất của Virginie Viard tại Chanel, có lẽ BST Chanel Haute Couture Xuân-Hè 2021 là cái tên xứng đáng nhất. Đây cũng là BST được giới mộ điệu đón nhận nồng nhiệt do bà đã thể hiện được sự thú vị, lôi cuốn trong việc làm mới cách thể hiện các thiết kế. BST lấy các họa tiết thêu, đính kết làm điểm nhấn chính trên các nền vải quen thuộc. Tuy nhiên những mảnh còn lại của bộ thiết kế lại không mang nhiều tính nổi bật, vượt trội.

BST Chanel Haute Couture Xuân-Hè 2021. Ảnh: ImaxTree.

Dẫu đã có nhiều đóng góp cho Chanel và làng thời trang thế giới, thế nhưng Virginie Viard đã không thể mang đến những cảm xúc thăng hoa, bùng nổ cho người hâm mộ trong thời gian dẫn bước cho Chanel. Những thiết kế của bà mang nặng tính ứng dụng, tối giản. Không phủ nhận đây là lối tư duy tốt, phù hợp với mục đích chính của thời trang là để mặc trên người. Tuy nhiên, việc thiếu đi tính đột phá từ mặt ý tưởng sáng tạo đã khiến cho Chanel dưới bàn tay của Virginie Viard trở nên mềm mại quá mức. Điều đó tạo nên cảm giác hụt hẫng cho người hâm mộ so với những gì người thầy của bà đã thể hiện trong các thập niên trước.

Bình luận