Pretty Privilege: Khi sắc đẹp trở thành đặc quyền

Không thể phủ nhận, một cô gái có ngoại hình ưa nhìn thường có cuộc sống dễ dàng hơn những cô gái có ngoại hình kém thu hút. Vậy sắc đẹp có thực sự là một đặc ân?

Pretty Privilege: Khi sắc đẹp trở thành đặc quyền

Pretty Privilege là gì?

Pretty privilege có thể được hiểu là một sự ưu ái và đánh giá tích cực mà những người xung quanh dành cho những người có ngoại hình hấp dẫn. Người đẹp thường được coi là có lợi thế trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, bao gồm môi trường làm việc, giao tiếp xã hội và thậm chí trong quan hệ tình cảm. Họ thường nhận được sự chú ý, tôn trọng và cơ hội mà người khác không thể có được.

Pretty privilege xuất phát từ nhận thức rằng xã hội thường đặt một tiêu chuẩn vẻ đẹp không thực tế và ưu tiên những người có ngoại hình khớp với tiêu chuẩn. Truyền thông thường tạo ra hình ảnh về vẻ đẹp lý tưởng, gây áp lực lên mọi người để tuân thủ tiêu chuẩn đó. Nhà hoạt động xã hội Janet Mock viết: "Xinh đẹp thường có nghĩa là gầy, trắng, có thân hình cân đối, và dị tính, và bạn càng gần với lý tưởng đó thì bạn càng được coi là xinh đẹp và hưởng lợi từ sự xinh đẹp đó."

Pretty-Privilege-3

Xinh đẹp là một đặc ân

Nhà tâm lý trị liệu Lucy Beresford đã chỉ ra rằng con người thường có xu hướng phản ứng tích cực trước cái đẹp, điều này cũng dễ hiểu vì sao người có ngoại hình ưa nhìn được ưu ái hơn trong cuộc sống. Đặc quyền của pretty privilege được thể hiện ở mọi nơi từ quá trình xin việc, các cuộc hẹn hò, sự ưu ái của cha mẹ đối với con cái, các mối quan hệ xung quanh… Dựa theo một nghiên cứu của Đại học Messina ở Ý, trong 1.000 hồ sơ xin việc, tỷ lệ cơ hội nhận việc của mỗi hồ sơ là 30%, tuy nhiên phụ nữ có ngoại hình hấp dẫn lại có tỷ lệ cơ hội lên đến 54%.

Jeayi Diary, một người dùng TikTok sống tại Hàn Quốc, đã chia sẻ rằng trong các club ở khu Kangnam, những cô gái có ngoại hình xinh đẹp thường được đối xử đặc biệt. Khi đến club, họ sẽ được tiếp đón một cách chu đáo, có được chỗ ngồi thuận tiện và thậm chí được mời uống rượu miễn phí. Tuy nhiên, những cô gái không được xinh đẹp thường bị từ chối phục vụ với lý do không còn chỗ trống.

Pretty-Privilege-2

Tiêu chuẩn cái đẹp - Nỗi ám ảnh vẻ bề ngoài

Trong một thế giới mà hình ảnh có xu hướng chiếm lĩnh các phương tiện truyền thông, áp lực để đáp ứng tiêu chuẩn cái đẹp đang ngày càng tăng lên. Xã hội đặt lên vai chúng ta những tiêu chuẩn về ngoại hình không thực tế và không thể đạt được một cách tự nhiên. Các quảng cáo, phim ảnh, tạp chí thời trang và các nền tảng truyền thông xã hội thường truyền tải hình ảnh của những người mẫu, người nổi tiếng có ngoại hình hoàn hảo, gợi cảm, không tì vết. Điều này làm cho nhiều người cảm thấy không tự tin về bản thân khi không tuân theo những “quy tắc” này.

Theo Lã Linh Nga, Thạc sĩ tâm lý và Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục (Hà Nội), xã hội ngày càng đánh giá cao hình thức bên ngoài, và mức độ ám ảnh về ngoại hình của con người cũng ngày càng tăng lên: "Coi trọng ngoại hình là đương nhiên, vì rõ ràng có hình thức đẹp, mọi thứ thuận lợi hơn".

Định kiến: da trắng, mắt to, mũi cao,..mới là đẹp tác động đến tâm lý và sức khỏe tinh thần không chỉ ở phụ nữ mà cả nam giới. Áp lực để trông đẹp và hoàn hảo có thể dẫn đến rối loạn cảm xúc, tự ti, lo lắng và trầm cảm. Nhiều người dành thời gian và nỗ lực để thay đổi ngoại hình của mình, nhưng cuối cùng vẫn không hài lòng với bản thân. Điều này có thể dẫn đến một vòng xoáy tiêu cực, ảnh hưởng đến sự tự tin và hạnh phúc của mỗi người. Theo nghiên cứu, tỷ lệ mắc bệnh BDD (hội chứng sợ xấu) trong dân số thế giới dao động 0,7%-2,4%.

Pretty-Privilege-4

Liệu xinh đẹp có thực sự là một đặc ân?

Có một vẻ ngoài xinh đẹp không phải lúc nào cũng gắn với đặc quyền, trên thực tế những người sở hữu ngoại hình nổi bật thường phải đối mặt với nhiều định kiến và nghi ngờ về năng lực của mình. Họ thường bị gắn nhãn bằng các cụm từ như "bình hoa di động" hay "chân dài, não ngắn". Nhà tâm lý học Aaron Surtes, người sáng lập ứng dụng Tiềm thức, đã đưa ra quan điểm rằng: “Mặt trái của đặc quyền có thể là ấn tượng sai lầm về một người và cho rằng họ sẽ trở thành mối đe dọa đối với chúng ta.”

Cụm từ "trai tài, gái sắc" là một dạng khuôn mẫu cũng có nghĩa: Nam giới thường được đánh giá dựa trên tài năng, trong khi nữ giới thường chỉ được nhìn nhận dựa vào cơ thể. Trên TikTok của mình, Madeline Ford đã nói rằng dù phụ nữ có được "đặc quyền xinh đẹp", nhưng đồng thời họ cũng phải đổ nhiều công sức hơn nam giới để đạt được thành công. 

Không chỉ vậy, khi có ngoại hình hấp dẫn, họ cũng trở thành mục tiêu của sự đố kị hoặc quấy rối tình dục. Chia sẻ với New York Post, Shye Lee (29 tuổi), người Puerto Rico sống tại Florida (Mỹ) nói rằng cô gặp phải nhiều rắc rối bởi ngoại hình của mình, Lee cho biết cô bị phân biệt đối xử, quấy rối, tấn công tình dục ở nơi làm việc. Vì lẽ đó, không ít người từ chối "đặc quyền" của việc sở hữu ngoại hình hấp dẫn. Họ cho rằng vẻ bề ngoài mang lại những hệ quả tiêu cực, khiến bản thân trở thành "mục tiêu" của những rắc rối.

Pretty-Privilege-5 

Mọi vấn đề đều có hai mặt và ngoại hình xinh đẹp cũng không là ngoại lệ. Thay vì chỉ tập trung vào những ưu điểm của việc có ngoại hình nổi bật, chúng ta cần nhìn nhận cả những khía cạnh tiêu cực mà nó mang lại. Vẻ đẹp thực sự không chỉ nằm trong hình dáng bên ngoài, mà còn được tạo nên từ sự tự tin, lòng nhân ái, tri thức và cách chúng ta tương tác với thế giới xung quanh. Hãy tạo ra một cách nhìn đa diện về vẻ đẹp và đánh giá một người dựa trên tất cả những khía cạnh của họ, không chỉ dừng lại ở ngoại hình.

 

Bình luận