Làm thế nào chúng ta có thể học cách tận hưởng những lợi ích mà sự nhàm chán đem lại?

Nhàm chán được xem là một trạng thái tâm lý tiêu cực, đặc trưng bởi cảm giác không hài lòng, bồn chồn và mệt mỏi về tinh thần. Đối với một người cảm thấy nhàm chán, sự mệt mỏi về tinh thần trở nên tồi tệ khi họ cảm nhận thời gian trôi qua chậm hơn bình thường. Ví dụ, khi bạn đang trong trạng thái nhàm chán và chờ đợi cho đến khi kết thúc ngày làm việc, 10 phút trôi qua có vẻ như kéo dài vô tận.
Nhàm chán được coi là nguồn gốc của sự bất hạnh và vô nghĩa trong cuộc sống. Chúng ta thường muốn thoát khỏi trạng thái này. Phản ứng thông thường là tìm kiếm những kích thích bên ngoài để gây xao lãng, chẳng hạn như chơi trò chơi điện tử hoặc xem phim. Tuy nhiên, những giải pháp ngắn hạn này chỉ có tác dụng tạm thời và có thể dẫn đến "cơn nghiện" mà chúng ta cần ngày càng nhiều kích thích mạnh mẽ hơn để chống lại. Về lâu dài tình trạng này sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Những người dễ bị nhàm chán thường có xu hướng suy nghĩ bốc đồng và không ngừng tìm kiếm những trải nghiệm mới. Điều này đặc biệt đúng trong thời niên thiếu, khi các em đang phát triển những kỹ năng cần thiết để đối phó với sự buồn chán ở tuổi trưởng thành.
Mặc dù nhàm chán thường dẫn đến những hậu quả tiêu cực, nhưng ở một góc độ khác đôi khi chúng cũng đem lại lợi ích. Dưới đây là 5 lợi ích mà sự nhàm chán đem lại:
Cải thiện sức khỏe tinh thần
Trong kỷ nguyên số, bộ não chúng ta phải đối mặt với sự quá tải thông tin và nhiều tác nhân gây phân tán. Sự dồn dập của các tin tức dẫn đến phân tán sự chú ý - nguồn tài nguyên nhận thức có hạn, được sử dụng cho các hoạt động hiệu quả. Do đó, nghỉ ngơi và tạm dừng các hoạt động có thể là cơ hội quý báu để bộ não thư giãn và giảm căng thẳng.
Tách mình ra khỏi các phương tiện truyền thông xã hội và các tác nhân gây căng thẳng trong một khoảng thời gian đủ lâu để cảm thấy nhàm chán có thể mang lại nhiều lợi ích. Đây là cách hiệu quả để nạp lại năng lượng và tái tạo sự tập trung. Việc nghỉ ngơi không chỉ giúp loại bỏ những phiền nhiễu, mà còn cung cấp cơ hội để nâng cao tinh thần.
Tăng khả năng sáng tạo
Thay vì coi sự buồn chán là trạng thái tiêu cực, chúng ta có thể tận dụng nó như một nguồn năng lượng sáng tạo. Khi tâm trí không bị kích thích bởi các tác nhân bên ngoài, nó có thể lang thang và mơ mộng, mở ra những cách suy nghĩ mới mẻ.
Trong một nghiên cứu, khi mọi người bị buộc phải làm những công việc nhàm chán như đọc báo cáo hay tham dự các cuộc họp tẻ nhạt, họ lại có xu hướng suy nghĩ theo những hướng đột phá và sáng tạo hơn. Điều này cho thấy rằng, trong những hoạt động dễ gây chán nản, chúng ta có cơ hội khám phá ra những ý tưởng đột phá mà khó có thể tìm thấy trong trạng thái kích thích.
Thúc đẩy sự khám phá
Nếu không cảm thấy nhàm chán, con người sẽ không có động lực để phiêu lưu và tìm kiếm những điều mới lạ. Chính những đặc tính như sự thông minh, tò mò và khát khao khám phá không ngừng nghỉ đã định hình nên con người chúng ta ngày nay.
Tìm kiếm sự mới mẻ thường ngụ ý không hài lòng với hiện tại, sẵn sàng thách thức những ý tưởng, quan điểm đã được thiết lập. Những thành tựu vĩ đại trong lịch sử được tạo điều kiện bằng sự không hài lòng với hiện trạng. Christopher Columbus - một nhà thám hiểm vĩ đại, sẽ không bao giờ bắt đầu chuyến hành trình đi khắp thế giới nếu không có tính cách bất an thường và lối suy nghĩ khác biệt.
Thúc đẩy việc theo đuổi những mục tiêu mới
Buồn chán là một tín hiệu cảm xúc cho thấy chúng ta không được làm những điều mình mong muốn. Trạng thái này gợi ý cho chúng ta rằng mọi thứ xung quanh hiện tại không đủ thú vị, không đủ thách thức, và không đáp ứng được kỳ vọng cũng như mong đợi của bản thân.
Nhờ vậy, nhàm chán lại trở thành một nguồn động lực thúc đẩy chúng ta tìm kiếm những mục tiêu, dự án mới, những thứ có thể mang lại nhiều sự thỏa mãn hơn. Nó thúc giục chúng ta chuyển hướng sang những điều mới mẻ và đầy hứng khởi hơn, để đáp ứng đúng nhu cầu, khát vọng sâu bên trong bản thân.
Điều chỉnh trạng thái
Sự nhàm chán ảnh hưởng đến khả năng tập trung vì mất đi hứng thú. Ở học sinh, nỗi buồn chán dẫn đến việc không tham gia vào lớp học và kết quả học tập kém. Họ có thể cảm thấy buồn chán khi thiếu nguồn lực nhận thức để tập trung. Khả năng tập trung và tự điều chỉnh có tương quan với khả năng xử lý sự nhàm chán. Học cách chịu đựng sự buồn chán khi còn trẻ là sự chuẩn bị cần thiết cho việc phát triển các kỹ năng tự chủ (điều chỉnh suy nghĩ, cảm xúc và hành động của một người).
Với những lợi ích này, chúng ta nên chấp nhận sự nhàm chán thay vì tìm kiếm một lối thoát ngay lập tức. Hãy cho phép tâm trí mình lang thang, vì sự nhàm chán có thể là cơ hội để suy ngẫm về những gì ta mong muốn trong cuộc sống.
Bình luận