Ngày 25/11 hằng năm, thế giới cùng hướng về Ngày Quốc tế Xóa bỏ Bạo lực Phụ nữ, không chỉ để lên án những hành vi vô nhân tính mà còn để cùng nhau tạo ra một thế giới an toàn hơn cho phụ nữ.

Trên thế giới, mỗi ngày trôi qua lại có thêm những tiếng khóc thầm lặng vang lên, nhưng bị chôn vùi bởi sự im lặng của xã hội. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là nỗi đau của những cá nhân, mà là một vấn đề nhân quyền cấp bách. Những con số biết nói, những câu chuyện đau lòng, những vòng xoáy bất công vẫn đang diễn ra – tất cả đều gợi lên một câu hỏi nhức nhối: Bao giờ phụ nữ mới được sống trong an toàn và tôn trọng?
Dù Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) từ năm 1979, bạo lực với phụ nữ vẫn là một vấn nạn dai dẳng, mang nhiều hình thức khác nhau. Từ những vết thương thể chất đến sự tổn thương tâm hồn, từ những ánh mắt sợ hãi đến những lời nói bị giam cầm trong sự im lặng, bạo lực để lại những dấu ấn khó phai trong cuộc sống của hàng triệu phụ nữ.
Lịch sử của ngày 25/11: Từ những nỗi đau hóa thành biểu tượng đấu tranh
Ngày này được chọn để tưởng nhớ ba chị em Mirabal, những nhà hoạt động chính trị tại Cộng hòa Dominica, bị sát hại dã man vào năm 1960 theo lệnh của nhà độc tài Rafael Trujillo (1930-1961). Cái chết của họ đã trở thành biểu tượng mạnh mẽ chống lại bạo lực và sự áp bức phụ nữ và được ác nhà hoạt động vì quyền phụ nữ đã chọn ngày 25 tháng 11 làm ngày chống bạo lực giới kể từ năm 1981.
Vào ngày 20/12/993, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Tuyên bố về Xóa bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ thông qua Nghị quyết 48/104, mở đường cho các nỗ lực xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới.

Cuối cùng, ngày 7/2/2000, Liên Hợp Quốc chính thức công nhận ngày 25/11 là Ngày Quốc tế Xóa bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ. Từ đó, các chính phủ, tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ được khuyến khích phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này hàng năm vào ngày đặc biệt này.
Hiện thực đau lòng
Theo thống kê, khoảng 736 triệu phụ nữ – 1/3 phụ nữ trên thế giới – đã từng trải qua bạo lực thể chất và/hoặc tình dục từ bạn đời thân mật, hoặc bạo lực tình dục ngoài mối quan hệ bạn đời ít nhất một lần trong đời (tương đương 30% phụ nữ từ 15 tuổi trở lên). Con số này chưa bao gồm các trường hợp quấy rối tình dục. Những phụ nữ từng bị bạo lực có nguy cơ cao mắc các vấn đề về tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV, để lại hậu quả kéo dài.
Bạo lực ảnh hưởng đến phụ nữ ở mọi giai đoạn của cuộc đời, bao gồm giáo dục, việc làm và cơ hội. Tuy nhiên, Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (VAWG) phần lớn không được báo cáo do sự miễn tội, im lặng, kỳ thị và sự xấu hổ xung quanh nó.
Bạn phải biết rằng: "Kẻ gây ra bạo lực gia đình thường có một mô tuýp điển hình, chúng sử dụng cùng một chiến thuật và giữ vững niềm tin. Chúng nhắm đến và làm quen với nạn nhân, sau đó dần dần thử thách các giới hạn, từ từ khiến nạn nhân hoang mang và mất quyền tự chủ, cho đến khi chúng kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của nạn nhân theo mọi cách. Kẻ đó cũng tin rằng chúng là người duy nhất trong mối quan hệ cần được đáp ứng nhu cầu và đó là trách nhiệm của đối phương.”
Hình thức bạo lực phụ nữ phổ biến

Những con số biết nói…

- Gần 1/3 phụ nữ trên toàn thế giới trải qua bạo lực trong đời.
- Trẻ vị thành niên nữ có nguy cơ bị bạo lực từ bạn đời cao hơn so với phụ nữ trưởng thành. Đến năm 19 tuổi, gần 1 trong 4 trẻ vị thành niên nữ (24%) từng có mối quan hệ đã bị bạn đời lạm dụng về thể chất, tình dục hoặc tâm lý.
- Một nghiên cứu gần đây ở Liên minh châu Âu xác nhận rằng phụ nữ khuyết tật có nguy cơ bị bạo lực cao hơn, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
- Năm 2023, ít nhất 51.100 phụ nữ đã kết thúc vòng xoáy bạo lực giới bằng một hành động cuối cùng và tàn bạo – bị giết bởi bạn đời hoặc thành viên gia đình. Điều đó có nghĩa là cứ mỗi 10 phút, một phụ nữ bị giết.
- Tại Việt Nam, phụ nữ trải qua bạo lực có thu nhập thấp hơn 35% so với phụ nữ không bị bạo lực.
- Chỉ 40% phụ nữ bị bạo hành tìm kiếm sự giúp đỡ, phần lớn dựa vào gia đình và bạn bè thay vì cơ quan chính thức như cảnh sát.
Những con số khô khan ấy che giấu hàng triệu câu chuyện bi thương, từ các bé gái bị ép tảo hôn, những người vợ chịu đựng bạo hành gia đình, cho đến những phụ nữ bị quấy rối tình dục nơi công sở hay trên mạng xã hội.
Vòng luẩn quẩn của bạo lực
Bạo lực không tự nhiên tồn tại. Nó được nuôi dưỡng từ các yếu tố xã hội, văn hóa và pháp lý. Bạo lực đối với phụ nữ thường bắt nguồn từ những chuẩn mực giới bất bình đẳng, tư tưởng gia trưởng cho rằng phụ nữ phải phục tùng hoặc kém giá trị hơn nam giới. Những suy nghĩ ấy hiện hữu trong nhiều nền văn hóa.
Tiến sĩ Sarah Rasmi, nhà tâm lý học và người sáng lập Trung tâm Sức khỏe Tinh thần Thrive tại Dubai, chia sẻ: "Bạo lực thường xảy ra ở những xã hội nơi tư tưởng nam quyền chiếm ưu thế. Trong thời kỳ khủng hoảng và áp lực kinh tế, nam giới cảm thấy hoặc không thể hỗ trợ gia đình như trước đây, dẫn đến việc họ không thể sống đúng với quan niệm về nam tính, khiến bản sắc nam giới của họ bị đe dọa. Như một hệ quả của sự căng thẳng đó, họ gây ra bạo lực đối với bạn đời và cả những người yếu thế".
“Khi nói đến lạm dụng thể chất và tình dục, những hành vi này thường diễn ra theo chu kỳ" - Tiến sĩ Rasmi cho biết. “Chúng sẽ xảy ra và khoảng thời gian tiếp dường như tạm lắng và rồi lại bùng phát. Trong khi đó, hành vi gây hấn tâm lý hoặc cảm xúc xảy ra hàng ngày, vì vậy theo nhiều cách, bạo lực thâm nhập sâu hơn. Hành vi ấy gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến lòng tự trọng và sức khỏe tinh thần của người bị hại.”
Đặc biệt, nhiều phụ nữ sợ hãi hoặc cảm thấy xấu hổ khi lên tiếng về chính điều đó. Họ lựa chọn sự im lặng vì sợ kì thị, tạo điều kiện cho những kẻ bạo hành tiếp tục.
Sự dung túng từ hệ thống pháp luật khiến cho những nạn nhân hứng chịu nỗi đau lớn về cả thể xác lẫn tinh thần. Được biết, 37 quốc gia vẫn cho phép miễn truy tố đối với kẻ phạm tội hiếp dâm nếu người này kết hôn hoặc đang là chồng của nạn nhân. Trong số các nước có dữ liệu, phần lớn phụ nữ tìm đến gia đình và bạn bè, rất ít người tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức chính thức như cảnh sát hay cơ sở y tế. Thêm vào đó, 49 quốc gia chưa có bất kỳ luật nào bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực gia đình và hơn 60% các quốc gia vẫn thiếu luật quy định rõ ràng về tội hiếp dâm dựa trên nguyên tắc đồng thuận quốc tế.
Ở các quốc gia nghèo, chi phí kinh tế và xã hội của bạo lực là một vòng xoáy không lối thoát. Ví dụ, tại Việt Nam, bạo lực đối với phụ nữ chiếm tới 1,41% GDP, trong khi ở Ấn Độ có 500 000 ngày làm việc bị mất mỗi năm do bạo lực gia đình và ngành y tế chịu chi phí trên 14 triệu USD chỉ để hỗ trợ 1/4 nạn nhân (600.000 người).
Hành động toàn cầu và những tia hy vọng
Bạo lực để lại những vết thương đau đớn, nhưng hành trình chữa lành chưa bao giờ là bất khả thi. Khắp nơi trên thế giới, những câu chuyện về sự đồng hành và sẻ chia từ các tổ chức và cá nhân trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ, khơi dậy niềm tin vào một tương lai không còn bóng dáng của nỗi đau và bất công. Họ không chỉ giúp chữa lành các tổn thương, mà còn lan tỏa một thông điệp đầy nhân văn: phụ nữ xứng đáng được sống trong an toàn và tôn trọng.

Năm 2023 chứng kiến những bước tiến đáng khích lệ từ cộng đồng quốc tế. Lesotho, Togo và Uzbekistan đã thông qua luật bảo vệ phụ nữ khỏi các hình thức bạo lực gia đình, trong khi Armenia, Guinea Xích Đạo, Jordan, Moldova và Suriname ban hành những quy định nghiêm khắc về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Đây không chỉ là những dòng chữ khô khan trong bộ luật, mà là tia sáng hy vọng, mở ra cơ hội bảo vệ hàng triệu phụ nữ khỏi những tổn thương đã kéo dài qua nhiều thế hệ.
Sáng kiến UNiTE to End Violence against Women, với mục tiêu xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ vào năm 2030, kêu gọi sự chung tay từ mọi tầng lớp xã hội – từ cá nhân, cộng đồng, đến chính phủ và các tổ chức quốc tế, không chỉ là một lời kêu gọi mà còn là động lực mạnh mẽ để mọi người đoàn kết trong cuộc chiến vì công bằng và nhân quyền.
Chữa lành từ những vết thương
Thay vì chịu đựng trong im lặng, ngày càng nhiều phụ nữ đứng lên phá vỡ sự bế tắc của nỗi sợ hãi. Trên khắp thế giới, ngày càng nhiều phụ nữ dũng cảm đứng lên kể câu chuyện của mình, phá vỡ bức tường của sự im lặng. Họ tìm đến nhau, cùng chia sẻ, cùng chữa lành.
Các chiến dịch giáo dục và truyền thông đã giúp nhiều người nhận ra rằng bạo lực không bao giờ là lỗi của nạn nhân. Trên mạng xã hội, trong cộng đồng và tại các trường học, những thông điệp nâng cao nhận thức đã thắp sáng con đường để phụ nữ tìm thấy sự tự do và quyền tự quyết.
Cộng đồng nơi sự đồng cảm lan tỏa sẽ là nền tảng vững chắc để phụ nữ dũng cảm đối diện và đứng lên bảo vệ chính mình. Các trung tâm hỗ trợ tâm lý đã và đang trở thành chốn an toàn để phụ nữ không chỉ chữa lành nỗi đau mà còn khôi phục niềm tin và sức mạnh. Những câu chuyện về sự vượt qua, về việc đối mặt và chiến thắng nỗi đau trở thành nguồn động lực không chỉ cho bản thân họ mà còn cho những người khác.
Tuy nhiên, hành trình này cần sự đồng hành của cả xã hội và pháp luật. Phụ nữ cần được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và pháp lý một cách dễ dàng và toàn diện hơn. Quan trọng hơn, xây dựng một cộng đồng an toàn, nơi tiếng nói của nạn nhân được lắng nghe và thấu hiểu mà không bị phán xét, chính là chìa khóa để phá vỡ bức tường của sự im lặng và kỳ thị.
Ngày Quốc tế Xóa bỏ Bạo lực Phụ nữ không chỉ là một ngày để tưởng nhớ hay kêu gọi, mà là lời nhắc nhở về trách nhiệm của mỗi chúng ta. Đó là trách nhiệm cùng hành động, cùng đồng hành và cùng xây dựng. Phụ nữ xứng đáng được được sống trong sự an toàn, tôn trọng, không còn nỗi sợ hãi hay những tiếng khóc thầm lặng bị chôn giấu - nơi những vết thương vô hình hay hữu hình được chữa lành và hòa nhập cộng đồng.
Tại Việt Nam, Tổng đài 1900 96 9680, phòng Tham vấn và nhà tạm lánh mang tên Ngôi nhà Bình yên, thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển - Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp và toàn diện cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán. |
Bình luận