Trong thời gian gần đây, việc nhiều nghệ sĩ ủng hộ cho "nữ quyền" đã tạo ra một sự lan tỏa tích cực và sự thách thức cho những khái niệm mới về quyền phụ nữ trong xã hội hiện đại.
Nữ quyền là gì?
Chủ nghĩa nữ quyền đề cập đến một loạt các ý tưởng và phong trào chính trị xã hội tập trung vào niềm tin rằng phụ nữ phải đối mặt với sự đối xử bất bình đẳng vì giới tính của họ và xã hội phải thiết lập sự bình đẳng giữa hai giới.
Làn sóng hiện tại của Nữ quyền
Làn sóng nữ quyền thứ tư vẫn đang tự xác định trong việc giải quyết nốt những nỗ lực của chủ nghĩa nữ quyền ở làn sóng thứ ba chống lại việc phụ nữ da màu bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nó cũng đặc biệt chú trọng đến việc đưa phụ nữ chuyển giới vào các nỗ lực vì nữ quyền, đấu tranh cho quyền của người dân được xác định giới tính của mình bên cạnh mục tiêu lịch sử là bình đẳng giới. Bên cạnh những lời kêu gọi toàn diện và đa dạng hơn về công bằng xã hội, chủ nghĩa nữ quyền ở làn sóng thứ tư cũng đã khai sinh ra phong trào #MeToo và các chiến dịch khác kêu gọi chấm dứt quấy rối tình dục và bạo lực đối với phụ nữ.
Góc nhìn mới trong phong trào Nữ quyền?
Kimberlé Crenshaw, một giáo sư ngành luật người Mỹ, người đã đặt ra thuật ngữ "chủ nghĩa nữ quyền giao thoa" vào năm 1989, đã giải thích “Đây là một lăng kính khác rõ hơn để nhìn ra cách thức mà các hình thức bất bình đẳng khác nhau thường hoạt động cùng nhau và làm trầm trọng thêm lẫn nhau” trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Time.
Trong suốt quá trình tồn tại, chủ nghĩa nữ quyền chủ yếu tập trung vào các vấn đề mà phụ nữ da trắng, trung lưu gặp phải. Ví dụ: phần lớn người ta chia sẻ và quảng cáo rằng một phụ nữ kiếm được 78 xu so với một đô la của đàn ông. Nhưng đây chỉ là số liệu thống kê dành cho phụ nữ da trắng. Điều đáng báo động là phụ nữ thuộc các nhóm thiểu số thậm chí còn kiếm được ít tiền hơn.
"Intersectional feminism takes into account the many different ways each woman experiences discrimination."
Bằng cách thêm ý tưởng về tính giao thoa vào chủ nghĩa nữ quyền, phong trào trở nên thực sự toàn diện và cho phép phụ nữ thuộc mọi chủng tộc, địa vị kinh tế, tôn giáo, bản sắc và định hướng tiếng nói của họ được lắng nghe.
Các nghệ sĩ nói gì về nữ quyền
Taylor Swift
"Về cơ bản, nữ quyền là từ để chỉ sự bình đẳng." -
Khi một người đàn ông làm một việc nào đó, đó là hành động mang tính chiến lược. Khi một người phụ nữ làm điều tương tự, đó là sự tính toán cá nhân.
Ariana Grande
“Chúng tôi không phải là đồ vật hay giải thưởng. Chúng tôi là NỮ HOÀNG của chính mình.”
Emma Watson
"Nữ quyền là sự lựa chọn.
Chủ nghĩa nữ quyền không mang tính giáo điều. Tất cả những gì bạn cần làm là cho bản thân sự lựa chọn. Nếu bạn muốn tranh cử thủ tướng, bạn có thể làm; hôm nay bạn đi giày cao gót, hôm sau bạn đi dép bệt... "
Miley Cyrus
“Chủ nghĩa nữ quyền về cơ bản đó chính là sự dũng cảm.
Tôi là một nhà hoạt động vì nữ quyền theo cách mà tôi thực sự trao quyền cho phụ nữ. Phụ nữ không nên sợ hãi bất cứ điều gì: tự tin đưa ra lựa chọn cá nhân, là chính mình và dám thể hiện bản thân."
Suboi
"Quyền nữ là một từ hay hơn vì nó thể hiện được người phụ nữ có quyền được lựa chọn và những quyết định cá nhân đó sẽ được thấu hiểu, tôn trọng – chứ không gây ra hiểu lầm như cụm nữ quyền, rằng phụ nữ phải giống như đàn ông hoàn toàn thì mới được tôn trọng."
Không dừng lại ở các nghệ sĩ nữ, những nghệ sĩ nam cũng sẵn sàng lên tiếng ủng hộ
John Legend
"Tất cả đàn ông nên là nhà hoạt động vì nữ quyền. Nếu đàn ông quan tâm đến quyền của phụ nữ, thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn. Khi phụ nữ được trao quyền, điều đó dẫn đến một xã hội hài hòa hơn."
Daniel Craig
"Phụ nữ chịu trách nhiệm thực hiện 2/3 công việc trên toàn thế giới nhưng chỉ kiếm được 10% tổng thu nhập và sở hữu 1% tài sản... Vậy chúng ta có bình đẳng không?
Harry Styles
Nữ quyền là một dấu hiệu của thời đại! “Làm sao bạn có thể nói các cô gái trẻ không hiểu được? Họ là tương lai của chúng tôi”
Ian Somerhalder
"Thật khó để nhớ ra rằng nhiều phụ nữ sống đang phải sống trong nỗi sợ hãi vì bạo lực gia đình. Đàn ông đóng vai trò quan trọng trong việc gửi đi thông điệp rằng đàn ông thực sự không làm tổn thương hoặc lạm dụng họ."
Khi "tiếng nói" gây nên tranh cãi
Chúng ta đang sống trong một thời đại trao quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng lớn và ở đó, người ta cũng thấy quá nhiều định kiến với phụ nữ.
"Phụ nữ mà tự tin hay ho như thế thì làm gì phải đi đòi nữ quyền".
Câu nói trên của Trấn Thành đã dấy lên bàn tán xôn xao về câu chuyện "nữ quyền". Một, nó ngầm ám chỉ rằng nữ quyền chỉ dành cho "những người phụ nữ hay ho, tài giỏi". Nữ quyền không phải một khuôn mẫu để các cô gái phải gò mình vào khuôn phép của sự "hay ho và tự tin" của xã hội. Họ có quyền chọn lựa phong cách, định nghĩa cho chính con đường của họ. Hai, "nữ quyền" đi với "đòi" như cách những người tẩy chay làn sóng "nữ quyền" thể hiện.
Nữ quyền cần được nhìn nhận một cách thấu đáo trong tất cả khía cạnh: nó không giúp nâng cao hay hạ bệ vị thế của giới nào hay "nữ quyền" là chỉ đấu tranh cho quyền lợi của người phụ nữ, thậm chí chia đôi thế giới thành hai nửa riêng mà bất chấp mối quan hệ giữa cả hai.
"Dường như ở Việt Nam người ta hiểu không đúng lắm về nữ quyền, hầu như chỉ hiểu theo nghĩa đen là quyền của phụ nữ. Nếu chỉ nhìn như vậy thì hẳn là nhiều người sẽ nghĩ ngay là ôi, phụ nữ bây giờ lắm quyền rồi", TS. Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) nhận định.
Đây sẽ vẫn là một con đường dài khi nói "nữ quyền" sao còn phải "đòi".
TỔNG KẾT
Một vài sự thật về "nữ quyền":
- Nữ quyền không phải là ghét đàn ông.
- Nữ quyền không phải là lạm quyền để nâng cao vị thế của một giới.
- Nữ giới không phải cộng đồng duy nhất đang đấu tranh.
- Bất cứ ai, bất kể giới tính hay xu hướng tính dục cũng có thể là một nhà nữ quyền.
- Thế giới vẫn cần nữ quyền.
Bình luận