Trong ngành thời trang hiện nay, việc tìm kiếm những phương pháp sản xuất bền vững đang trở thành một ưu tiên hàng đầu. Trong số các chất liệu phổ biến, polyester tái chế đã thu hút sự chú ý đặc biệt như một giải pháp có thể giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường. Tuy nhiên, liệu polyester tái chế thực sự có phải là giải pháp mới cho thời trang bền vững hay chỉ là chiêu trò của các nhãn hàng thời trang?
Tổng quan tình hình
Gần 50% số lượng quần áo của thế giới được làm từ vải sợi polyester. Chuyên trang Greenpeace dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng, chạm mốc 75% vào năm 2030. Ngày càng nhiều người tiêu dùng yêu cầu quần áo có độ bền và chất lượng cao hơn, do đó họ chọn vải polyester. Vấn đề là, loại vải này không phải là sự lựa chọn tốt cho dệt may bền vững vì chúng được làm từ polyethylene terephthalate (PET) - loại nhựa phổ biến trong các ngành công nghiệp. Nói tóm lại, phần lớn thời trang may mặc đến từ dầu thô. Trong khi đó, Hội đồng Liên minh Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đang kêu gọi các hành động quyết liệt để tránh biến đổi khí hậu do các ngành công nghiệp, trong đó có may mặc.
Năm 2020, tổ chức phi lợi nhuận Textile Exchange đã kêu gọi hơn 50 công ty thời trang, may mặc và bán lẻ, bao gồm các “gã khổng lồ” như Adidas, H&M, Gap và Ikea tăng 25% việc sự dụng polyester tái chế vào năm 2020. Kết quả là các bên liên quan đã vượt chỉ tiêu trước thời hạn 2 năm, tăng 36% việc sử dụng polyester tái chế. Tổ chức dự đoán 20% polyester sẽ được tái chế vào năm 2030.
Polyester tái chế, hay còn được gọi là rPET, được tạo ra bằng cách làm tan chảy nhựa hiện có và sản xuất thành sợi polyester mới. rPET có thể được làm từ chai nhựa mà chúng ta sử dụng hàng ngày hoặc tái chế từ vật liệu đầu vào sau công nghiệp và sau tiêu dùng. Lấy ví dụ dễ hiểu, cứ 5 chai nhựa sẽ đủ tạo ra vải dệt cho một chiếc áo phông size XL.
Ưu điểm của Polyester tái chế
1. Giữ cho nhựa không thải ra bãi rác và đại dương
Polyester tái chế mang giúp cho các vật liệu không thể phân hủy sinh học và không bị trôi dạt ra đại dương hoặc kết thúc tại bãi rác.Theo tổ chức phi chính phủ Ocean Conservancy, 8 triệu tấn nhựa bị thải ra đại dương mỗi năm. Họ dự đoán rằng, nếu tốc độ này tiếp tục được duy trì, đến năm 2050, nhựa trong đại dương sẽ nhiều hơn cá. Bên cạnh đó, nhựa cũng được tìm thấy trong dạ dày của các loài chim biển và rùa biển vì chúng nhầm nhựa với thức ăn.
Đối với các bãi rác chôn lấp, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đã báo cáo rằng các bãi chôn lấp của quốc gia này đã nhận 26 triệu tấn nhựa chỉ trong năm 2015. Ở Anh, WRAP ước tính rằng khoảng 140 triệu bảng Anh quần áo bị chôn lấp mỗi năm. “Lấy rác thải nhựa và biến nó thành vật liệu tái chế hữu ích là rất quan trọng đối với con người và môi trường của chúng ta.”, Karrla Magruder, Thành viên Hội đồng quản trị của Textile Exchange cho biết.
2. rPET ít cần tài nguyên để sản xuất
Polyester tái chế gần giống như polyester nguyên chất về chất lượng, nhưng việc sản xuất nó đòi hỏi năng lượng ít hơn 59% so với polyester nguyên chất, theo một nghiên cứu năm 2017 của Văn phòng Môi trường Liên bang Thụy Sĩ. WRAP ước tính sản lượng của rPET sẽ giảm 32% lượng khí thải CO2 so với polyester thông thường.
Ngoài ra, polyester tái chế có thể góp phần làm giảm việc khai thác dầu thô và khí tự nhiên từ Trái đất để tạo ra nhiều nhựa hơn. "Sử dụng polyester tái chế làm giảm sự phụ thuộc của chúng ta vào dầu mỏ như một nguồn nguyên liệu thô.", trang web của thương hiệu Patagonia, nổi tiếng với việc tái chế cho biết. "Chúng hạn chế rác thải và giảm lượng khí thải độc hại từ các lò đốt. Chúng cũng giúp thúc đẩy các dòng tái chế mới cho quần áo polyester không còn có thể mặc được nữa." nhãn hiệu cho biết thêm.
Nhược điểm của Polyester tái chế
1. Sản phẩm không thuần polyester tái chế xuất hiện tràn lan
Nhiều sản phẩm may mặc không chỉ được làm từ polyester, mà là từ sự pha trộn của polyester và các vật liệu khác. Trong trường hợp đó, việc tái chế chúng sẽ khó khăn hơn, nếu không muốn nói là không thể. "Trong một số trường hợp, về mặt kỹ thuật, điều đó có thể xảy ra, ví dụ như pha trộn với polyester và cotton. Nhưng nó vẫn ở cấp độ thí điểm." Magruder nó.
Ngay cả quần áo 100% polyester cũng không thể tái chế liên tục trong vòng đời. Có hai cách để tái chế PET: cơ học và hóa học. Tái chế cơ học là lấy một chai nhựa, rửa, cắt nhỏ và sau đó biến nó trở lại thành một con chip polyester, sau đó trải qua quá trình sản xuất sợi truyền thống. Tái chế hóa chất là lấy một sản phẩm nhựa thải và đưa nó trở lại các monome ban đầu, không thể phân biệt được với polyester nguyên chất. Những thứ đó sau đó có thể quay trở lại hệ thống sản xuất polyester thông thường. Hầu hết rPET thu được thông qua tái chế cơ học, vì nó là quy trình ít tốn kém nhất trong hai quy trình và không yêu cầu hóa chất nào khác ngoài chất tẩy rửa cần thiết để làm sạch vật liệu đầu vào.
"Hầu hết mọi người tin rằng nhựa có thể được tái chế vô hạn, nhưng mỗi khi nhựa được làm nóng, chúng sẽ biến đổi về mặt chất lượng. Điều này khiến các sản phẩm tái chế sẽ kém chất lượng hơn theo thời gian." Patty Grossman, đồng sáng lập Two Sisters Ecotextiles cho biết. Tuy nhiên, Textile Exchange tuyên bố trên trang web của mình rằng rPET có thể được tái chế trong nhiều năm.
2. Polyester tái chế giải phóng vi nhựa
Cuối cùng, một số người phản đối khẳng định rằng rPET giữ cho nhựa không đến đại dương. Các loại vải nhân tạo có thể giải phóng các vi nhựa siêu nhỏ ra môi trường. Theo một nghiên cứu gần đây từ Đại học Plymouth, ở Anh, mỗi chu kỳ của máy giặt có thể giải phóng hơn 700.000 sợi vi nhựa. Do đó, quần áo là từ sợi vải nhân tạo hay polyester tái chế đều góp phần gây ô nhiễm vi nhựa.
Bình luận