Bạn biết gì về Christian Lacroix: Bậc thầy haute couture của thế giới

Nếu phải gọi tên một nhà thiết kế với với các tính từ như gan lì nhất, chịu chơi nhất, kiên cường nhất trong làng thời trang quốc tế thì có lẽ Christian Lacroix là gương mặt hoàn toàn xứng đáng.

Bạn biết gì về Christian Lacroix: Bậc thầy haute couture của thế giới

Ắt hẳn bạn đã từng một lần nghe qua tên các nhà thiết kế đình đám trong giới haute couture như John Galliano, Karl Lagerfeld, Jean Paul Gaultier,...Thế nhưng Christian Lacroix có thể sẽ là một cái tên xa lạ đối với nhiều bạn đọc trẻ. Lý do là bởi ông đã phải dừng làm haute couture từ năm 2009 do chi phí đầu tư cho các bộ sưu tập quá lớn mà việc kinh doanh lại thua lỗ. 

Christian Lacroix tên thật là Christian Marie Marc Lacroix, ông sinh ra tại thành phố cổ Arles - di sản của nước Pháp. Thời niên thiếu, Christian Lacroix đã tự phác họa các thiết kế và các trang phục gắn liền với các dòng thời gian trong lịch sử. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông chuyển đến Montpellier, Pháp để học ngành Lịch sử Nghệ thuật tại Đại học Montpellier.

Năm 1987, Christian đã bắt đầu ra mắt thương hiệu haute couture riêng. Với đam mê từ nhỏ và kiến thức từ ngành học về lịch sử, các thiết kế của ông như là “bản nhạc” giao thoa giữa nhiều nền văn hóa đến từ đa quốc gia trên thế giới. Từ lịch sử của thời trang đến các câu chuyện văn hóa dân gian, tôn giáo, nghệ thuật từ khắp các châu lục đều là nguồn cảm hứng bất tận cho các bộ sưu tập của ông. Christian đặc biệt yêu thích các gam màu nóng có nguồn gốc từ địa trung hải; các họa tiết, hoa văn thêu hoa; các loại vải mới lạ; sử dụng kỹ thuật thêu tay, đính hạt. 

Christian Lacroix nổi tiếng với những bộ sưu tập haute couture giao thoa từ nhiều nền văn hóa

Vì sự cầu kỳ, hoành tráng, xa xỉ của các bộ sưu tập haute couture mà Christian Lacroix được mệnh danh là “đại thụ”, một trong những bậc thầy haute couture tài danh nhất thế giới. Tuy nhiên, vì độ chịu chơi, mức đầu tư cho việc sản xuất quá lớn nên giá cả của các sản phẩm haute couture này trở nên xa tầm tay đối với người tiêu dùng. Vậy nên suốt khoảng thời gian từ lúc thành lập đến khi thương hiệu cùng tên ông được mua lại bởi LVMH vào năm 2005, Christian Lacroix đã thua lỗ gần 44 triệu euro (xấp xỉ 1.200 tỷ đồng). 

Vào năm 2009, thương hiệu được tiếp quản bởi tập đoàn thời trang Falic, khi ấy nhân sự của Christian Lacroix bị cắt giảm xuống chỉ còn 12 người để tiết kiệm chi phí. Bộ sưu tập haute couture Thu - đông 2009 được sản xuất bằng tiền của chính ông, mỗi người mẫu cũng chỉ được trả 50 euro (xấp xỉ 1.4 triệu đồng). Thế nhưng tất cả người mẫu đều đồng lòng trợ giúp cho Christian để thể hiện tinh thần ngưỡng mộ, trân trọng đối với người thầy đáng kính. Tại sàn diễn này, khoảnh khắc Vlada Roslyakova sải bước với bộ váy trắng ngà thuộc thiết kế số 24 đã trở thành một trong những dấu ấn sâu đậm nhất khi nhắc đến Christian Lacroix. Khi buổi biểu diễn đi đến hồi kết, bà Pia de Brantes - khách hàng lâu năm của nhà thiết kế giương cao băng rôn: “Christian Lacroix Forever” (Tạm dịch: Christian Lacroix bất diệt) trong tiếng hò reo, vỗ tay của khán giả. Sau bộ sưu tập này, hành trình làm haute couture của ông cũng kết thúc lại tại đây.

Vlada Roslyakova bước ra trong bộ váy trắng ngà cầu kỳ với vai trò vedette cho bộ sưu tập haute couture cuối cùng của Christian Lacroix.

Các quan chức trong ngành chỉ trích ông như một kẻ phá hoại khi không có đủ khả năng để biến nghệ thuật của mình thành lợi nhuận về tài chính cho thương hiệu. Họ cho rằng Christian chỉ mãi tập trung vào việc tạo ra các bộ sưu tập tiêu hao quá nhiều tiền của mà hiển nhiên sẽ không có cơ hội để người tiêu dùng có thể mặc được. 

Trả lời cuộc phỏng vấn của Guardian vào 14 năm trước, nhà thiết kế nhận thấy rõ có sự đối lập giữa tầm nhìn nghệ thuật của mình với lợi ích kinh doanh khi bắt đầu thành lập thương hiệu. Thế nhưng mối quan tâm lớn nhất của ông lại là lợi ích của những người thợ may, thợ dệt đã sát cánh cùng ông suốt những năm tháng, đi qua những cơn mưa lời khen và cơn bão chỉ trích. 

Giờ đây thương hiệu Christian Lacroix không còn kinh doanh mảng quần áo mà chỉ còn lại các mảng như trang sức, đồng hồ, khăn choàng, mắt kính và nội thất. Christian Lacroix là một nhà thiết kế tài ba, một nghệ sĩ xuất chúng, tuy nhiên thứ nghệ thuật vĩ mô của ông lại không phải là một mảnh ghép cần thiết và phù hợp trong thế giới kinh doanh của nhà tư bản. Thời hoàng kim của bậc thầy haute couture, “cái tên được nhắc đến nhiều nhất tại Paris” từ đó cũng chỉ còn là “vang bóng một thời”.

Bình luận