Chúng ta có đang lầm tưởng về thời trang bền vững?

Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ của ngành công nghiệp thời trang nhanh, song song với những giá trị kinh tế, ngành này cũng mang theo những hệ quả tiêu cực đối với môi trường. Con người ngày càng quan tâm và đặt niềm tin vào thời trang bền vững nhưng liệu chúng ta có đang thực sự hiểu về thời trang bền vững không?

Chúng ta có đang lầm tưởng về thời trang bền vững?

Thời trang bền vững là gì?

Thời trang bền vững là thuật ngữ dùng để chỉ các sản phẩm thời trang được tạo ra và tiêu dùng theo một cách có thể duy trì lâu dài nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và con người. Xu hướng này tập trung vào các biện pháp nhằm giảm hao hụt tài nguyên thiên nhiên, giảm lượng rác thải và ô nhiễm môi trường, bảo vệ con người.

Thời trang bền vững đã bắt đầu xuất hiện vào cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 và thu hút sự quan tâm đông đảo của công chúng trong những năm 2000. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có một số ít thương hiệu có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của ngành công nghiệp này. Việc chỉ mua sắm các sản phẩm được gắn nhãn bền vững không đủ, chúng ta cần xem xét lại thói quen mua sắm và cách tiêu thụ quần áo của chúng ta để thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong ngành thời trang.

Thiet-ke-chua-co-ten-7 (1)

Những lầm tưởng về thời trang bền vững

Nhận thấy rõ tầm quan trọng của thời trang bền vững với môi trường sống, ngày càng có nhiều người quan tâm và sử dụng các sản phẩm này. Tuy nhiên, không phải ai cũng thực sự hiểu về ngành công nghiệp thời trang xanh. Hãy cùng ProfBeauty điểm xem những lầm tưởng phổ biến về xu hướng bền vững nhé!

Đồ càng đắt tiền thì càng bền vững

Nhiều người vẫn quan niệm là “đắt xắt ra miếng” nên không ngần ngại vung tay cho những hãng thời trang xa xỉ tuy nhiên điều này lại không hoàn toàn đúng. Theo chỉ số minh bạch của Fashion Revolution năm 2023, nhiều thương hiệu thời trang cao cấp có mức độ minh bạch thấp hơn cả các thương hiệu thời trang nhanh. 

Thiet-ke-chua-co-ten-10

Trong một báo cáo được công bố bởi Ordre - một trang web chuyên về các showroom thời trang trực tuyến, đã tiếp tục nhấn mạnh tính không bền vững của các thương hiệu thời trang cao cấp. Báo cáo này đo lường lượng khí thải carbon phát ra trong suốt 12 tháng bởi các tuần lễ thời trang quốc tế. Kết quả cho thấy con số kinh ngạc là 241.000 tấn CO2, tương đương với lượng khí thải mà một quốc gia nhỏ phát ra. Năng lượng này đủ để thắp sáng 42.000 ngôi nhà trong một năm. 

Mua thời trang nhanh là xấu 

Chúng ta luôn bị truyền thông “tẩy não” rằng sử dụng thời trang nhanh là xấu, gây ảnh hưởng đến môi trường, tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng. Tối ưu hóa và sử dụng sản phẩm thời trang trong thời gian dài, nhằm tránh chúng trở thành rác thải, là điều đáng quan tâm hơn cả. Quan trọng không phải là việc tiêu thụ thời trang nhanh hoặc thời trang cao cấp đắt tiền, mà là khả năng sử dụng chúng một cách bền vững và hiệu quả. 

Thiet-ke-chua-co-ten-8 (1)

Đồ có giá rẻ thì không nên dùng lâu

Ý nghĩa thực sự của bền vững là kéo dài tối đa vòng đời sử dụng của sản phẩm bởi vậy nên dù là những món đồ giá rẻ thì bạn cũng đừng vội bỏ đi. Hãy thử tự sửa chữa qua hay nhờ đến sự giúp đỡ của các cô chú thợ may gần nhà để làm mới lại những món đồ đã qua sử dụng. Nhờ đó bạn không chỉ bảo vệ túi tiền của mình, trân trọng công sức của những người làm ra chúng mà còn góp phần bảo vệ môi trường nữa đó.

Quyên góp quần áo cũ là bền vững

Nhiều người quan niệm “cũ người mới ta” nên không ngần ngại đem những món đồ đã qua sử dụng để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một hành động đẹp, tuy nhiên, quyên góp quần áo cũ không phải là một biện pháp bảo vệ môi trường. Trên thực tế chỉ khoảng 10-20% quần áo quyên góp được tái sử dụng. Nhiều sản phẩm trong số đó không đủ chất lượng để được bán lại và thường được chuyển sang các bãi rác hoặc xử lý bằng cách đốt cháy, gây ra ô nhiễm môi trường. 

Thiet-ke-chua-co-ten-17

Một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2016 với tên gọi "Quần áo bỏ đi của người da trắng" đã khám phá ra sự thực đáng báo động tại Kantamanto - chợ đồ cũ lớn nhất ở Ghana. Theo nghiên cứu đó, hàng tuần có khoảng 15 triệu món đồ cũ bị vứt bỏ tại đây và 40% số lượng quần áo trong đó trở thành rác thải, được xả vào các bãi rác quá tải ở Vịnh Guinea hoặc bị đốt trong những khu ổ chuột tại Accra.

Thời trang bền vững không chỉ là một xu hướng tạm thời mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi cá nhân. Bằng cách hiểu rõ về khái niệm này, mỗi hành động nhỏ của chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi tích cực đến ngành công nghiệp thời trang.

Bình luận