Sự suy giảm của “ông lớn bán lẻ” Farfetch đã đặt ra các vấn đề về khả năng hợp tác giữa các thương hiệu thời trang cao cấp và nền tảng bán hàng trực tuyến.
Trong khi bối cảnh kỹ thuật số ngày càng có ảnh hưởng trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ, các thương hiệu xa xỉ nhận thấy rằng, nền tảng trực tuyến không phải là phương thức bán hàng phù hợp cho sản phẩm của họ. Lý do chính mà họ đưa ra là số lượng hạn chế và tính độc quyền của mặt hàng cao cấp phù hợp với mô hình trực tiếp hơn trực tuyến. Đó là cũng là nguyên nhân các nhà mốt đình đám như Louis Vuitton, Hermès và Chanel không bày bán những bộ sưu tập của mình trên các trang bán hàng của bên thứ 3.
Trên thực tế, các thương hiệu thời trang cao cấp đã phát triển mạnh nhờ tính độc quyền và hình ảnh thương hiệu được xây dựng hoàn mỹ. Tương tác trực tiếp với người tiêu dùng cho phép họ kiểm soát mọi khía cạnh của trải nghiệm khách hàng, từ lúc tư vấn đề khi trao sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Cách tiếp cận này đảm bảo rằng các giá trị, di sản và đề xuất bán hàng độc đáo của thương hiệu được truyền đạt chính xác như kế hoạch.
Mặt khác, các nền tảng trực tuyến hoạt động theo mô hình cởi mở, có tính cạnh tranh hơn. Điều này có nghĩa là, chúng cung cấp một thị trường rộng mở, nơi cho nhiều thương hiệu bày bán sản phẩm với các mức giá khác nhau. Đối với các thương hiệu cao cấp, môi trường này có thể làm bão hoà giá trị độc quyền và định vị sản phẩm cao cấp mà họ muốn duy trì. Đặt sản phẩm của họ cùng với các thương hiệu dễ tiếp cận hơn có thể làm suy yếu giá trị nhận thức của các mặt hàng xa xỉ. Theo Financial Times, khoảng 10 thương hiệu lớn, bao gồm Nike và Adidas, chiếm phần lớn lưu lượng truy cập của Farfetch.
Hơn nữa, các thương hiệu xa xỉ thường ưu tiên cá nhân hóa và trải nghiệm khách hàng thông qua sản phẩm được thiết kế riêng. Điều này là một thách thức lớn nếu áp dụng trên các nền tảng của bên thứ ba. Khi bán hàng trực tiếp, thương hiệu có thể thu thập và sử dụng dữ liệu khách hàng để tạo ra dịch vụ đặt làm riêng và củng cố mối quan hệ với khách hàng của họ. Song, đối với bán hàng trực tuyến, các tiêu chuẩn cộng đồng trên những trang web này là một thách thức lớn đối với nhiều thương hiệu thời trang cao cấp.
Cuối cùng, tính bảo mật sản phẩm và bảo vệ thương hiệu là cũng là mối quan tâm lớn của các thương hiệu xa xỉ. Hàng giả, bán hàng trái phép và giảm giá có thể gây ra rủi ro đáng kể cho danh tiếng của thương hiệu và làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng. Chỉ bằng cách bán trực tiếp, các nhà mốt mới có thể thực hiện các biện pháp bảo mật và quy trình xác thực mạnh mẽ để bảo vệ chống lại các mối đe dọa như trên.
Bình luận